Hy Lạp sẽ suy thoái sâu nếu không đạt được thỏa thuận với chủ nợ

Nếu Hy Lạp thất bại trong việc đạt được thỏa thuận với các chủ nợ thì điều này có thể đẩy quốc gia này rơi vào suy thoái sâu.
Hy Lạp sẽ suy thoái sâu nếu không đạt được thỏa thuận với chủ nợ ảnh 1 Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngân hàng Phát triển và Tái thiết châu Âu (EBRD) ngày 14/5 cho rằng, nếu Hy Lạp thất bại trong việc đạt được thỏa thuận với các chủ nợ thì điều này có thể đẩy quốc gia này rơi vào suy thoái sâu.

Trong báo cáo kinh tế mới công bố của EBRD, cơ hội để Chính phủ Hy Lạp và các chủ nợ quốc tế giải quyết bất đồng vẫn chưa rõ ràng.

Nhận định này được đưa ra chỉ một ngày sau khi số liệu thống kê chính thức cho thấy kinh tế Hy Lạp đã rơi trở lại suy thoái sau nhiều tháng duy trì mức tăng trưởng dương.

Cụ thể, EBRD cho rằng kinh tế Hy Lạp có thể tăng trưởng 0% trong năm nay và 2% năm 2016 nếu Athens đạt được thỏa thuận với các chủ nợ trong Khu vực đồng euro (Eurozone) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) để có thể được giải ngân nốt khoản vay còn lại 7,2 tỷ euro (8,2 tỷ USD) trong gói cứu trợ có trị giá tổng cộng 240 tỷ euro.

Tuy nhiên, dự báo này có thể hoàn toàn thay đổi theo chiều hướng tiêu cực và Hy Lạp có thể rơi vào suy thoái, nếu hai bên không thể đồng thuận.

Trong vòng sáu năm qua, GDP của Hy Lạp đã sụt giảm tới 25% trong cuộc suy thoái bắt nguồn từ khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

Kinh tế Hy Lạp chỉ bắt đầu phục hồi năm ngoái và ghi nhận ba quý liên tiếp tăng trưởng dương, trước khi sụt giảm 0,4% trong quý cuối cùng của năm 2014 và tiếp tục giảm 0,2% trong quý 1/2015.

Bên cạnh đó, lòng tin kinh doanh đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi lo ngại gia tăng về khả năng Hy Lạp vỡ nợ và thậm chí có thể ra khỏi Eurozone.

EBRD cho rằng, bất kỳ sự bất ổn nào liên quan tới Hy Lạp cũng sẽ tác động tới xu hướng kinh tế tích cực tại khu vực Trung Âu, nơi tăng trưởng kinh tế được điều chỉnh theo hướng tăng nhờ chương trình nới lỏng định lượng của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và giá dầu thấp hơn.

Về phần mình, EU đã điều chỉnh hạ dự đoán tăng trưởng kinh tế Hy Lạp trong năm 2015 từ 2,5% (đưa ra hồi tháng 2/2015) xuống còn 0,5%.

Ủy viên các vấn đề kinh tế của EU Pierre Moscovici cũng lưu ý rằng khả năng Hy Lạp sẽ đạt được một thỏa thuận về gói cứu trợ với các chủ nợ đang ở mức "rất phập phù."

Trong khi đó, Chính phủ mới của Hy Lạp dự đoán kinh tế nước này sẽ tăng trưởng 0,1-0,8% trong năm 2015.

Cùng ngày, AFP dẫn nguồn tin giấu tên cho biết Chính phủ Hy Lạp đã tái khởi động quá trình tư nhân hóa công ty điều hành cảng lớn nhất nước này là Piraeus, tuy nhiên đề nghị giảm tỷ lệ cổ phần bán ra.

Chính phủ của Đảng Bảo thủ trước đó đã lên kế hoạch tư nhân hóa 67% trong tổng số 74% cổ phần của công ty do nhà nước kiểm soát.

Tuy nhiên, con số này hiện được giảm xuống còn 51%. Người phát ngôn của Chính phủ Hy Lạp, ông Gabriel Sakellaridis, cho biết tiến trình tư nhân hoá là một phần trong các biện pháp cải cách được Athens đưa ra thảo luận với EU và IMF để được giải ngân một phần của khoản vay 7,2 tỷ euro còn lại./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.