Hy Lạp "trấn áp" công nhân điện lực biểu tình bằng sắc lệnh quốc gia

Ngày 5/7, Chính phủ Hy Lạp buộc các nhân viên thuộc tập đoàn điện lực của nhà nước ngừng đình công và trở lại làm việc bằng cách ban hành "sắc lệnh động viên dân sự."
Hy Lạp "trấn áp" công nhân điện lực biểu tình bằng sắc lệnh quốc gia ảnh 1Công nhân Hy Lạp biểu tình. (Nguồn: AP)

Ngày 5/7, Chính phủ Hy Lạp đã buộc các nhân viên thuộc Tập đoàn điện lực công (PPC) của nhà nước ngừng đình công và trở lại làm việc bằng cách ban hành "sắc lệnh động viên dân sự," một động thái thường được sử dụng trong các trường hợp khẩn cấp của quốc gia.

Sắc lệnh này được ban hành sau khi Tòa án Athens ngày 4/7 ra phán quyết cho rằng cuộc đình công này là "bất hợp pháp và bị lạm dụng."

Lệnh động viên sẽ được phát vào cuối tuần này cho các nhân viên PPC tham gia đình công và những nhân viên từ chối đi làm có thể bị sa thải. Tuy nhiên, nghiệp đoàn ngành điện tuyên bố sẽ không thực hiện phán quyết của tòa và tiếp tục đình công.

Nghiệp đoàn PPC đã phát động cuộc đình công kéo dài 48 tiếng đồng hồ để phản đối các kế hoạch tư nhân hóa công ty. Các nhân viên đình công đã ngưng sản xuất điện tại các tổ máy, với tổng công suất lên tới 3.400MW trong tổng số 12.800MW, buộc công ty phải cắt điện trong khu vực một thời gian ngắn, khiến nhiều đơn vị sản xuất phải ngừng hoạt động vì không có điện.

Bộ trưởng Môi trường, Năng lượng và biến đổi khí hậu Yannis Maniatis tuyên bố nếu phán quyết của tòa không được thực hiện, Chính phủ sẵn sàng có biện pháp cưỡng bức để thực hiện phán quyết này. Ông nhấn mạnh "Chính phủ sẵn sàng áp dụng mọi biện pháp."

Cuộc đình công của nhân viên PPC diễn ra đúng vào lúc Quốc hội Hy Lạp bắt đầu thảo luận dự thảo luật tư hữu hóa nhằm bán PPC và một cơ sở sản xuất mới chiếm khoảng 30% sản lượng của PPC cho các nhà đầu tư tư nhân, theo yêu cầu của các chủ nợ quốc tế để nhận được các khoản tín dụng mới.

Chính quyền khẳng định việc bán một số cơ sở sản xuất của tập đoàn bao gồm cả các mỏ, sẽ tạo điều kiện cho cạnh tranh, trong khi phía nghiệp đoàn cho rằng đó là việc bán "tài sản xã hội."

Nhà nước có 51% cổ phần trong PPC - tập đoàn chiếm tới 2/3 sản lượng điện của cả nước và kiểm soát 100% thị trường tiêu thụ lẻ của Hy Lạp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Ông Khamkhan Chanthavisouk, Ủy viên Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Bí thư, Tỉnh trưởng tỉnh Luang Prabang (đứng thứ 4 từ bên phải) chụp ảnh lưu niệm cùng Đoàn đại biểu Ban tổ chức Giải Viettel Marathon chặng Lào.

Luang Prabang sẵn sàng cho giải chạy Viettel Marathon 2024

Lần đầu tiên Luang Prabang tổ chức một giải chạy đường bằng có cự ly 42,195km, nên ngoài thách thức thì đây cũng là điểm nhấn để giải chạy trở thành sự kiện quảng bá đến bạn bè quốc tế.