Thủ tướng Italy Giuseppe Conte ngày 7/2 khẳng định nước này và Pháp có mối quan hệ lịch sử sâu sắc và bất kỳ sự căng thẳng nào giữa hai nước đều có thể được giải quyết nhanh chóng.
Phát biểu trong chuyến thăm chính thức Liban, Thủ tướng Conte nói rằng quan hệ giữa Italy và Pháp có nguồn gốc trong lịch sử và không thể bị nghi ngờ dù có những sự cố. Ông đồng thời bày tỏ tin tưởng tình hình có thể được giải quyết ngay lập tức.
Phát biểu của ông Conte được đưa ra sau khi Pháp triệu hồi đại sứ nước này tại Italy, một bước đi được cho là chưa từng có tiền lệ trong lịch sử quan hệ ngoại giao giữa hai nước.
Quyết định được đưa ra nhằm phản ứng việc hai phó thủ tướng của Italy là Luigi Di Maio và Matteo Salvini đưa ra hàng loạt chỉ trích nhằm vào Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.
Theo Bộ Ngoại giao Pháp, những lời chỉ trích của quan chức Chính phủ Italy cũng là chưa từng có tiền lệ kể từ cuộc Chiến tranh Thế giới thứ Hai.
Quan hệ giữa Italy và Pháp trở nên căng thẳng hơn sau khi Phó Thủ tướng Italy Luigi Di Maio hôm 5/2 đã gặp gỡ đại diện phong trào biểu tình “Áo vàng” ở ngoại ô thủ đô Paris của Pháp.
[Italy đặt điều kiện để hạ nhiệt căng thẳng song phương với Pháp]
Ông Di Maio cho biết mục đích cuộc gặp là nhằm chuẩn bị cho các cuộc bầu cử sắp tới tại Nghị viện châu Âu (EP), song Chính phủ Pháp cho rằng cuộc gặp này là "một sự khiêu khích không thể chấp nhận" và là hành động "đổ thêm dầu vào lửa."
Tháng trước, Pháp đã triệu Đại sứ Italy tại nước này để phản đối chỉ trích của Phó Thủ tướng Italy Di Maio về chính sách của Pháp ở châu Phi, trong đó kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) trừng phạt Pháp vì đẩy người dân châu lục nghèo đói này từ bỏ quê hương để tìm kiếm điều kiện sống tốt hơn ở châu Âu.
Ngày 22/1, Phó Thủ tướng Italy Matteo Salvini nhằm trực tiếp vào Tổng thống Pháp Macron khi bày tỏ hy vọng cử tri Pháp sớm thoát khỏi một "vị tổng thống khủng khiếp."
Ông Maio và ông Salvini thậm chí còn có những tuyên bố ủng hộ người biểu tình "Áo vàng" vốn xuống đường phản đối chính phủ của Tổng thống Macron trong thời gian qua. Tuy vậy, cho đến nay, Pháp vẫn giữ mức độ phản ứng vừa phải./.