Hy vọng vào Thỏa thuận Abraham - từ mong muốn đến thực tế

Thỏa thuận thế kỷ của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn chưa được như kỳ vọng, vấn đề Palestine chưa hạ nhiệt và chưa có một liên minh nào giữa Israel và các nước Hồi giáo Sunni để đối phó với Iran.
Hy vọng vào Thỏa thuận Abraham - từ mong muốn đến thực tế ảnh 1Máy bay Hãng hàng không El Al của Israel cất cánh tại sân bay Ben Gurion, gần Tel Aviv, trong hành trình tới Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), ngày 31/8/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Cách đây một năm, khi Israel bắt đầu tiến trình bình thường hóa quan hệ với một loạt quốc gia Arab Hồi giáo, các bên tham gia trực tiếp và gián tiếp vào tiến trình này đều mong mỏi Hiệp định Abraham sẽ mở ra một giai đoạn mới cho khu vực.

Tuy nhiên, một năm đã trôi qua, “thỏa thuận thế kỷ” của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn chưa được như kỳ vọng, vấn đề Palestine chưa hạ nhiệt và chưa có một liên minh nào giữa Israel và các nước Hồi giáo Sunni để “đối phó với trục Iran.”

Cựu Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, người đã dốc sức cho các thỏa thuận Abraham, không thực hiện được giấc mơ về một chuyến thăm chính thức đến UAE.

Bắt đầu từ giữa tháng 8/2020, báo chí quốc tế đồng loạt đưa tin về việc Israel và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đồng ý bình thường hóa quan hệ trong một thỏa thuận được đặt theo tên tổ phụ của 3 tôn giáo lớn là Hồi giáo, Kito giáo và Do Thái giáo.

[Loay hoay gỡ "cuộn chỉ rối" tiến trình hòa bình Trung Đông]

Cuối tháng đó, phái đoàn quan chức đầu tiên của Israel đã đến thăm Vùng Vịnh và hai tuần sau đó, Hiệp định Abraham giữa Israel với UAE và Bahrain đã được ký kết tại Nhà Trắng.

Những tháng tiếp theo chứng kiến Bahrain, Sudan và Maroc lần lượt đặt bút ký vào các thỏa thuận bình thường hóa quan hệ với Nhà nước Do Thái.

Thỏa thuận Israel-UAE có sự chung tay góp sức của 3 nhà lãnh đạo: Thủ tướng Benjamin Netanyahu của Israel, Thái tử Mohammed bin Zayed của UAE và Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Thỏa thuận này đã phá vỡ thế bế tắc ngoại giao kéo dài nhiều năm giữa Israel và UAE nói riêng và các nước Arab Hồi giáo nói chung.

Tuy nhiên, lúc đó các nhà lãnh đạo đều đặt ra những mục tiêu khác lớn hơn nhiều, đó là mở đường cho các thỏa thuận bình thường hóa giữa Israel với các quốc gia Arab khác trong khu vực, mà trước hết là Saudi Arabia; tạo ra một liên minh chiến lược mới thân Mỹ ở Trung Đông để đối trọng với trục Hồi giáo Shiite do Iran dẫn đầu.

Ngoài ra, Hiệp định Abraham còn nhằm chứng minh Israel không cần đàm phán với người Palestine mà vẫn có thể cải thiện quan hệ với các nước trong khu vực.

Có lẽ điểm sáng nhất của Hiệp định Abraham nằm ở sự ra đời của chính nó, vốn là một câu chuyện đầy kịch tính và ấn tượng.

Thông tin bất ngờ được đưa ra sau các chuyến ngoại giao con thoi bí mật của cố vấn Tổng thống Trump về khu vực Trung Đông.

Vì vậy, đây được xem là thành tựu ngoại giao quan trọng nhất của chính quyền Tổng thống Trump.

Với cựu Thủ tướng Israel Netanyahu, đây chắc chắn là lần ghi điểm tốt nhất về chính sách đối ngoại của Israel trong 12 năm cầm quyền của ông, đặc biệt là sau khi Hiệp định Abraham có sự tham gia của một số nước khác.

Các thỏa thuận Abraham đã tạo ra nhiều thay đổi với những kết quả khác nhau cho từng đối tác.

Để có được các chữ ký đồng ý, Mỹ đã chấp nhận bán cho UAE các máy bay chiến đấu F-35 thế hệ mới, công nhận chủ quyền cho Maroc về vùng lãnh thổ đang tranh chấp ở Tây Sahara, đưa Sudan khỏi danh sách các nước tài trợ khủng bố.

Riêng với Bahrain, vốn đã có mối quan hệ mật thiết và là nơi đặt bản doanh của Hạm đội 5 và Bộ Tư lệnh Hải quân Mỹ, quốc gia này không đòi hỏi nhiều. Hệ quả tiêu cực của những nhượng bộ của Mỹ đã được thể hiện trên thực tế.

Chẳng hạn, việc công nhận chủ quyền cho Maroc làm phức tạp hóa các tranh chấp về lãnh thổ ở nơi khác, hoặc vũ khí hiện đại do Mỹ cung cấp đã được sử dụng cho các mục đích không mong muốn.

Tác động tích cực của Hiệp định Abraham thể hiện rõ nhất trong mối quan hệ giữa Israel và UAE.

Hai bên đã mở đại sứ quán và triển khai một loạt cuộc thăm viếng ngoại giao cấp cao lẫn nhau. Hợp tác trên các lĩnh vực kinh tế và công nghệ được thúc đẩy mạnh mẽ.

UAE rất quan tâm đến đầu tư vào Israel và đã có các thỏa thuận trị giá hàng trăm triệu USD được ký kết. Khách du lịch Israel ùn ùn kéo sang UAE sau khi đường bay trực tiếp giữa hai nước được khai trương. Quan hệ quốc phòng và tình báo cũng được cải thiện, mặc dù diễn ra khá lặng lẽ.

Các báo cáo cho thấy UAE là một trong những quốc gia tiêu thụ các sản phẩm công nghệ an ninh mạng nhiều nhất của Israel. Vấn đề là trong số này có cả các công nghệ gián điệp được sử dụng nhằm vào các nhà báo và nhà hoạt động nhân quyền.

Tác động chiến lược của Hiệp định Abraham trong khu vực là khá hạn chế và chắc chắn không được như mong đợi ban đầu.

Cả Mỹ và Israel đều hy vọng sau khi ký thỏa thuận, UAE sẽ là một phần của một liên minh công khai và hoạt động tích cực để ngăn chặn các động thái của Iran trong khu vực.

Hy vọng này đã sớm tan biến do hình hài của liên minh mới vẫn còn chưa rõ nét, trong khi các cuộc đàm phán về vấn đề hạt nhân Iran tiếp tục bế tắc. Có vẻ như các quốc gia Vùng Vịnh vẫn thận trọng vì hai lý do.

Thứ nhất, Iran được coi là một cường quốc khu vực sẽ không đầu hàng và không ngại tấn công các lợi ích của Mỹ và Israel.

Thứ hai, chính quyền mới của Tổng thống Joe Biden không nhiệt tình thúc đẩy mối quan hệ giữa Israel với UAE, thậm chí với cả Saudi Arabia, “anh cả” của cộng đồng Arab mà hai cựu lãnh đạo Trump và Netanyahu từng hy vọng sẽ tham gia các thỏa thuận Abraham.

Tiếng nói của UAE trong vấn đề Palestine cũng rất hạn chế. UAE đã không tăng tài trợ cho Dải Gaza như kỳ vọng của Israel và hiện Qatar vẫn đang là nhà tài trợ chính.

Trước khi xảy ra cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hamas ở Dải Gaza tháng Năm vừa qua, UAE đã công khai chỉ trích các vụ đàn áp của an ninh Israel đối với người Palestine ở Đông Jerusalem.

Vấn đề chính sách cho người Palestine sẽ còn là thách thức lâu dài trong mối quan hệ Israel-UAE.

Với Bahrain, quốc gia lâu nay vẫn lặng lẽ quan hệ hữu hảo với Israel không cần tới “củ cà rốt” của Mỹ để tham gia Hiệp định Abraham.

Nhưng kể từ khi ký đến nay, Bahrain vẫn chưa mở đại sứ quán tại Israel, mặc dù đã chỉ định đại sứ.

Với Maroc, các bước đi hiện thực hóa quan hệ với Israel đang được xúc tiến và hai bên dự kiến sẽ mở đại sứ quán trong một vài tháng tới, kèm theo là một đường bay thẳng thương mại giữa hai nước.

Nhưng các trở ngại chính của mối quan hệ song phương vẫn còn, đó là quyết định của cựu Tổng thống Trump công nhận chủ quyền cho Maroc được cho là quá dễ dãi và có thể bị đảo ngược.

Ngoài ra, đa phần người dân Maroc vẫn ủng hộ Palestine, do vậy họ không mặn mà lắm với hợp tác với Israel. Đây là một thực tế khó lòng, thậm chí là không thể thay đổi.

Hy vọng vào Thỏa thuận Abraham - từ mong muốn đến thực tế ảnh 2Các đại diện của Maroc và Israel tại lễ ký thỏa thuận thiết lập quan hệ ngoại giao ở Rabat, Maroc ngày 22/12/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Câu chuyện cũng diễn ra khá tương đồng với Sudan, nơi chính phủ đang phải vất vả đấu tranh với các tiếng nói phản đối về chính sách đối ngoại.

Quan hệ giữa Maroc và Israel có một tiềm năng lớn để phát triển, trong các lĩnh vực từ nông nghiệp tới năng lượng. Tuy nhiên, các chuyến thăm và làm việc giữa các quan chức hai nước liên tục bị hoãn vì hết lý do này đến lý do khác.

Cuối cùng là tiến trình hòa bình giữa Israel và Palestine. Có thể đây không phải là một mục tiêu chính nêu ra trong các thỏa thuận Abraham, nhưng rõ ràng cả hai đều là những vấn đề không thể tách rời trong “kế hoạch hòa bình thế kỷ” cho Trung Đông do cựu Tổng thống Trump đưa ra.

Một năm đã trôi qua, các hiệp định Abraham có thể đã tạo ra hiệu ứng tích cực cho một số bên, nhưng vấn đề Palestine thì ngày càng xấu đi.

Chưa kể đến cuộc xung đột vừa qua với giữa Israel và phong trào Hamas, những vấn đề cốt lõi ảnh hưởng đến tiến trình hòa bình giữa Israel và Palestine ngày càng khó giải quyết.

Xét về mặt chiến lược, đây rõ ràng là một thất bại của các thỏa thuận Abraham, nhất là trong bối cảnh các vấn đề về Hồi giáo và Arab không còn là tâm điểm trong mối quan tâm của Mỹ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Người dân sơ tán tránh xung đột tại Gaza ngày 22/10/2024. (Ảnh: THX/TTXVN)

Mỹ hối thúc Israel chuyển hướng chiến lược tại Gaza

Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh Israel đã đạt được phần lớn mục tiêu chiến lược liên quan tới Gaza kể từ sau ngày 7/10 năm ngoái và đây là thời điểm để biến điều đó thành quả lâu dài và chiến lược.