IAEA quan ngại về thỏa thuận an ninh của ba bên Australia-Anh-Mỹ

Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế cho biết ông đã "thành lập một nhóm chuyên trách nhằm xem xét các biện pháp bảo vệ hạt nhân và ý nghĩa pháp lý của mối quan hệ đối tác này."
IAEA quan ngại về thỏa thuận an ninh của ba bên Australia-Anh-Mỹ ảnh 1Tổng Giám đốc IAEA Rafael Grossi. (Ảnh: Kyodo/TTXVN)

Ngày 22/10, Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) Rafael Grossi đã bày tỏ quan ngại rằng thỏa thuận an ninh ba bên Australia-Anh-Mỹ (AUKUS) có thể sẽ tạo tiền lệ cho các quốc gia phi hạt nhân khác vận dụng để theo đuổi các kế hoạch phát triển tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân.

Trong một phát biểu nhân chuyến thăm tới Washington (Mỹ), khi đề cập tới AUKUS, Tổng Giám đốc IAEA cho biết ông đã "thành lập một nhóm chuyên trách nhằm xem xét các biện pháp bảo vệ hạt nhân và ý nghĩa pháp lý của mối quan hệ đối tác này." ông Grossi cũng cảnh báo rằng các quốc gia khác có thể học theo mô hình này và tìm cách đóng tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, qua đó làm gia tăng "tâm lý lo ngại nghiêm trọng về vấn đề pháp lý và phổ biến vũ khí hạt nhân."

Trong khi đó, Đại sứ đặc trách của Bộ Ngoại giao Nga - ông Grigory Mashkov cùng ngày nhận định rằng AUKUS có nguy cơ làm suy yếu an ninh quốc tế và khu vực.

[Tổng Giám đốc IAEA lo ngại về hoạt động hạt nhân của Triều Tiên]

Trong cuộc phỏng vấn với hãng tin RIA Novosti, Đại sứ Mashkov cho biết: “Chúng tôi đang nghiên cứu kỹ lưỡng những hậu quả tiềm tàng" của việc thiết lập mối quan hệ đối tác AUKUS. Ông cảnh báo trong khuôn khổ AUKUS, lãnh thổ của một quốc gia phi hạt nhân có thể được sử dụng để triển khai cơ sở hạ tầng quân sự của các nước hạt nhân. Ông nêu rõ: “Điều này có thể tạo ra những nguy cơ tiềm ẩn gây bất ổn tình hình trong lĩnh vực an ninh quốc tế và khu vực."

Ngày 15/9 vừa qua, Anh, Australia và Mỹ đã quyết định thành lập AUKUS, theo đó Washington và London sẽ hỗ trợ Canberra đóng các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân. Khi thỏa thuận này được thực thi, Australia sẽ trở thành một quốc gia phi hạt nhân đầu tiên có được tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.