IAEA sẽ cử đại diện thường trực đến 5 cơ sở hạt nhân tại Ukraine

Theo kế hoạch mới, 11 hoặc 12 chuyên gia của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) sẽ có mặt tại Ukraine để giám sát các cơ sở hạt nhân và cung cấp hỗ trợ kỹ thuật.
IAEA sẽ cử đại diện thường trực đến 5 cơ sở hạt nhân tại Ukraine ảnh 1Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia ở Enerhodar, Ukraine. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) ngày 13/1 cho biết cơ quan này đang tăng cường sự hiện diện tại Ukraine nhằm giúp ngăn chặn nguy cơ xảy ra sự cố hạt nhân trong bối cảnh cuộc xung đột hiện nay tại quốc gia Đông Âu này.

Theo IAEA, cơ quan này sẽ sớm cử đại diện thường trực tại cả 5 cơ sở hạt nhân của Ukraine, trong đó có cả nhà máy Chernobyl vốn đóng cửa sau thảm họa năm 1986. IAEA cho biết thêm Tổng Giám đốc IAEA Rafael Grossi sẽ thăm Ukraine vào tuần tới để triển khai kế hoạch này.

Ông nhấn mạnh: "Chúng ta phải tiếp tục làm mọi cách có thể để ngăn chặn nguy cơ xảy ra sự cố hạt nhân nghiêm trọng" ở Ukraine. Trong chuyến thăm Ukraine sắp tới, ông Grossi cũng sẽ gặp các quan chức cấp cao của Ukraine để thảo luận về việc thiết lập vùng an toàn hạt nhân xung quanh nhà máy Zaporizhzhia.

[IAEA cử phái bộ giám sát tới các nhà máy điện hạt nhân ở Ukraine]

Quyết định trên của IAEA là nhằm mở rộng hoạt động của cơ quan này tại Ukraine. Hiện chỉ có nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia là có sự hiện diện thường trực của IAEA.

Tuy nhiên, theo kế hoạch mới nói trên, 11 hoặc 12 chuyên gia của IAEA sẽ có mặt tại Ukraine để giám sát các nhà máy và cung cấp hỗ trợ kỹ thuật.

Ngoài nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia, các thanh sát viên của IAEA cũng sẽ được triển khai đến các cơ sở hạt nhân còn lại ở Rivne, Khmelnytsky, Pivdennoukrainska và Chernobyl.

Trước đó, Thủ tướng Ukraine Denys Shmygal đã thông báo về kế hoạch này vào tháng 12/2022 sau cuộc gặp với ông Grossi nhưng không đưa ra chi tiết./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.