Iceland phản đối thỏa thuận về cấm đánh bắt cá tại Bắc Cực

Iceland ngày 24/7 đã lên tiếng phản đối thỏa thuận cấm đánh bắt cá ở vùng băng tan chảy nhanh ở Bắc Cực mà 5 quốc gia gồm Mỹ, Nga, Canada, Na Uy và Đan Mạch vừa ký kết.
Iceland phản đối thỏa thuận về cấm đánh bắt cá tại Bắc Cực ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: National Geographic)

Iceland ngày 24/7 đã lên tiếng phản đối thỏa thuận cấm đánh bắt cá ở vùng băng tan chảy nhanh ở Bắc Cực mà 5 quốc gia gồm Mỹ, Nga, Canada, Na Uy và Đan Mạch vừa ký kết, đồng thời tuyên bố nước này không nằm trong giới hạn của thỏa thuận trên.

Bộ Ngoại giao Iceland tại thủ đô Reykjavik đã gửi công hàm phản đối tới đại sứ của 5 quốc gia nói trên và khẳng định nước này sẽ không tham gia và không nằm trong các quy định của thỏa thuận cấm đánh bắt cá nói trên. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Iceland cho biết tình trạng biến đổi khí hậu và sự nóng lên của các đại dương đồng nghĩa với việc các vùng biển quốc tế tại Bắc Cực trong tương lai gần có thể tiếp cận cho việc đánh bắt cá.

Việc một số nước tự quản lý và sắp xếp hoạt động đánh bắt cá tại đây khiến Iceland đặc biệt quan ngại khi mà nguồn thu nhập chính của nước này là từ các nguồn tài nguyên trên biển. Iceland cho rằng với kiến thức khoa học và kinh nghiệm đánh bắt cá, nước này có thể đóng góp lớn vào quá trình tham vấn và thảo luận về lĩnh vực này.

Hôm 16/7 vừa qua tại thành phố Oslo của Na Uy, các đại diện của Mỹ, Nga, Canada, Na Uy và Đan Mạch đã ký một thỏa thuận nghiêm cấm việc tiến hành đánh bắt cá vì mục đích thương mại tại khu vực có diện tích 2,8 triệu km vuông thuộc những vùng có lượng băng tan chảy nhanh ở Bắc Cực. Đây được xem như phản ứng của các quốc gia có liên quan nhằm đối phó với hiện tượng nóng lên trên toàn cầu, đang làm đẩy nhanh tốc độ tan chảy của các tảng băng ở khu vực giữa Bắc Cực.

Vào năm 2012, hơn 2.000 nhà khoa học trên thế giới cũng đã kêu gọi cho ra đời một thỏa thuận cấm đánh bắt cá tại Bắc Cực do lo ngại các lớp băng bảo vệ đang tan chảy nhanh chóng do tình trạng ấm dần lên của Trái Đất. Điều này đã đe dọa sự sống của nhiều sinh vật biển và hệ sinh thái tại đây. Theo phía Mỹ, thỏa thuận này sẽ góp phần ngăn chặn hiện tượng trên xảy ra sớm hơn so với dự kiến./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục