ICL-109: Việt Nam cam kết thúc đẩy việc làm thỏa đáng và bền vững

Chính phủ Việt Nam đã đưa ra nhiều giải pháp, chính sách để giúp người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn do COVID-19, đặc biệt là ổn định sản xuất kinh doanh, giữ việc làm cho lao động.
Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung phát biểu tại ILC-109. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Chiều nay 11/6, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, thay mặt đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam phát biểu tại Phiên họp lần thứ 109 của Hội nghị Lao động Quốc tế (ILC-109).

Phiên họp được tổ chức theo hình thức trực tuyến từ trụ sở Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Geneva, Thụy Sỹ từ ngày 20/5 đến 19/6. Hội nghị với sự tham gia của hơn 4.000 đại biểu đại diện các cơ quan của Chính phủ, người lao động và người sử dụng lao động đến từ 187 quốc gia và vùng lãnh thổ thành viên ILO.

Đoàn đại biểu ba bên Việt Nam do Bộ trưởng Đào Ngọc Dung làm trưởng đoàn. Tham gia đoàn có đại diện Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Geneva và các tổ chức đại diện cho người lao động và người sử dụng lao động là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam.

ILC-109 bao gồm phiên họp toàn thể và các cuộc họp của các ủy ban chuyên môn của ILO. Tại phiên họp toàn thể cấp cao từ ngày 7/6 đến ngày 17/6, các nguyên thủ, bộ trưởng, trưởng đoàn đại biểu các nước đã tham dự và phát biểu xoay quanh chủ đề ưu tiên về việc làm trong bối cảnh COVID.

Phát biểu tại phiên thảo luận chung, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung bày tỏ sự hoan nghênh và nhất trí cao với chủ đề của Hội nghị, đồng thời ủng hộ sáng kiến của ILO về “Phản ứng toàn cầu hướng tới sự phục hồi lấy con người làm trung tâm sau cuộc khủng hoảng đại dịch COVID-19” và sử dụng tuyên bố thế kỷ của ILO về tương lai việc làm như lộ trình thực hiện.

[ILO: Khủng hoảng việc làm do đại dịch COVID-19 còn lâu mới kết thúc]

“Sáng kiến này góp phần quan trọng để thế giới tiếp tục hướng tới các mục tiêu của Chương trình nghị sự về Phát triển bền vững đến năm 2030 của Liên hợp quốc cũng như theo đuổi sứ mệnh của ILO về thúc đẩy công bằng xã hội và việc làm thỏa đáng, bền vững cho mọi người. cũng là những ưu tiên mà Chính phủ Việt Nam đang thúc đẩy thực hiện,” Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu.

Theo ông Dung, ngay từ khi đại dịch COVID-19 mới bùng phát trên thế giới và lan tới Việt Nam vào đầu năm 2020, với sự đồng lòng và ủng hộ của người lao động, cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội, Việt Nam đã thực hiện những giải pháp phòng, chống và kiểm soát đại dịch một cách quyết liệt “chống dịch như chống giặc.” Chính phủ đã đưa ra nhiều giải pháp, chính sách cùng với gói hỗ trợ an sinh xã hội đối với người dân, đặc biệt với những đối tượng yếu thế, giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất kinh doanh, giữ việc làm cho người lao động.

Đoàn đại biểu ba bên của Việt Nam tham gia ILC-109. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Với những giải pháp quyết liệt của Chính phủ và nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp và người lao động, dù gặp rất nhiều khó khăn nhưng năm 2020 kinh tế Việt Nam vẫn duy trì mức tăng trưởng 2,91%. Hiện nay, Chính phủ Việt Nam kiên trì theo đuổi mục tiêu kép là vừa phòng chống dịch bệnh hiệu quả, vừa nỗ lực phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội lấy con người là trung tâm.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chia sẻ trong 2 năm 2019-2020, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Bộ luật Lao động (sửa đổi) bổ sung, hoàn thiện khuôn khổ pháp luật về quan hệ việc làm, điều kiện lao động, an sinh xã hội phù hợp với thực tiễn và sự phát triển của Việt Nam; tiếp sau đó phê chuẩn thêm 2 Công ước cơ bản của ILO là Công ước số 98 về quyền tổ chức và thương lượng tập thể và Công ước 105 về xóa bỏ lao động cưỡng bức.

Chính phủ đã ban hành kế hoạch mới về xây dựng và thúc đẩy quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ tại doanh nghiệp. Ngày 27/5/, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chương trình phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em giai đoạn 2021-2025 tầm nhìn đến năm 2030. Đây là nỗ lực của Chính phủ nhằm thực hiện cam kết của Việt Nam trong vai trò là quốc gia tiên phong tham gia Liên minh 8.7 về Xóa bỏ lao động trẻ em, lao động cưỡng bức, nô lệ thời hiện đại và mua bán người.

Hiện tại, các đối tác ba bên của Việt Nam cùng với ILO đang xây dựng Chương trình hợp tác về Việc làm thỏa đáng cho chu kỳ thứ tư (2022-2026), và đảm bảo rằng các mục tiêu về Việc làm thỏa đáng được lồng ghép vào các chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam. Theo đó, một trong những ưu tiên của Việt Nam trong chu kỳ này là đổi mới hệ thống bảo hiểm xã hội, trước tiên là việc sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội. Việt Nam mong muốn sẽ tiếp tục nhận được hỗ trợ kỹ thuật của ILO trong các cải cách về lao động-việc làm và an sinh xã hội của Việt Nam./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục