IEA: Năm 2017, đầu tư vào năng lượng sạch trên thế giới "chững lại"

Theo báo cáo của IEA, ngày 17/7, năm 2017, các nguồn năng lượng tái tạo như điện gió hoặc thủy điện trở nên ít hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư so với các năm trước và họ thích “đổ vốn” vào nhiên l
IEA: Năm 2017, đầu tư vào năng lượng sạch trên thế giới "chững lại" ảnh 1Cối xay gió tại Loiyangalani, Marsabit, miền Bắc Kenya ngày 29/6 vừa qua. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo báo cáo do Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) công bố ngày 17/7, trong năm ngoái, các nguồn năng lượng tái tạo như điện gió hoặc thủy điện trở nên ít hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư so với các năm trước và họ thích “đổ vốn” vào nhiên liệu hóa thạch hơn.

Như vậy, năm 2017 được coi là khoảng thời gian "tạm dừng" trong quá trình chuyển đổi đầu tư sang những nguồn năng lượng sạch hơn với việc khôi phục những khoản chi phí cho thăm dò và sản xuất dầu khí.

Báo cáo cho biết trong thời gian trên, đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch (khí, dầu, than) đã tăng tới 59% tổng lượng đầu tư toàn cầu vào các nguồn sản xuất năng lượng, một con số "cao hơn chút ít" so với năm trước đó và đây cũng là một tỷ lệ được ghi nhận lần đầu tiên kể từ năm 2014.

Cũng tương tự như vậy, đầu tư vào lĩnh vực dầu khí đã tăng trở lại (+2%). Trong khi đó, các khoản đầu tư vào các nhà máy điện đốt than giảm mạnh (- 13%) cùng với sự suy giảm lượng đầu tư vào các nhà máy điện hạt nhân (-44%) và năng lượng tái tạo (-7%).

[Mục tiêu “Năng lượng sạch cho toàn châu Âu” sắp trở thành hiện thực]

Báo cáo nhấn mạnh mặc dù còn quá sớm để đánh giá tính bền vững của những khoản đầu tư nói trên, nhưng những dữ liệu này cho thấy nhiên liệu hóa thạch sẽ giữ vai trò quan trọng trong những năm tới.

Theo IEA, năng lượng điện Mặt Trời vẫn phá kỷ lục với gần 150 tỷ USD tiền đầu tư, trong khi các nguồn năng lượng tái tạo khác (điện gió, thủy điện...) thu hút ít nhà đầu tư hơn so với năm trước đó.

Nhìn chung, lĩnh vực sản xuất điện đã thu hút phần lớn khoản đầu tư trong năm thứ hai liên tiếp. Điều này cho thấy “điện khí hóa đang diễn ra với nền kinh tế thế giới” thông qua việc sử dụng năng lượng tái tạo và sự thích ứng của các mạng lưới điện.

Với tất cả các nguồn năng lượng, đầu tư giảm trong năm thứ ba liên tiếp, xuống mức 1.800 tỷ USD (-2%).

Cũng theo báo cáo trên, Trung Quốc vẫn là quốc gia được đầu tư nhiều nhất cho lĩnh vực năng lượng (chiếm khoảng 20%) nhờ vào sự phục hồi các khoản đầu tư trong lĩnh vực khai thác dầu khí đá phiến, các nhà máy điện chạy bằng khí đốt và các mạng lưới điện, tiếp đến là Mỹ và châu Âu, nơi đang tạo điều kiện cho những nỗ lực nhằm nâng cao hiệu quả của lĩnh vực năng lượng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục