Ngày 20/3, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) và Cơ quan Năng lượng Tái tạo Quốc tế (IREA) công bố báo cáo cho rằng thế giới cần nhanh chóng chuyển đổi việc sử dụng các sản phẩm năng lượng có nguồn gốc từ nhiên liệu hóa thạch nếu muốn ngăn chặn tình trạng nóng lên toàn cầu đang tăng nhanh hiện nay.
Trong các báo cáo riêng rẽ, hai tổ chức quốc tế này cùng đi đến kết luận rằng thay đổi căn bản cách thức tạo ra năng lượng đòi hỏi sự đầu tư rất lớn, nhưng đồng thời cũng sẽ tiết kiệm được tài chính và tạo ra nhiều việc làm mới.
Tuy nhiên, hai báo cáo trên - được công bố trước thềm một hội nghị về năng lượng và biến đối khí hậu tại Berlin (Đức), lại có cách đánh giá khác nhau về tỷ lệ nhiên liệu hóa thạch vẫn có thể được sử dụng kết hợp để nhiệt độ trung bình toàn cầu chỉ tăng dưới mức dưới 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Đây là một trong những mục tiêu quan trọng của Hiệp định Paris nhằm chống lại biến đổi khí hậu mà các nước trên thế giới đã đạt được hồi cuối năm 2015.
Theo các chuyên gia về biến đổi khí hậu, năm 2016 đã vượt qua năm 2015 trở thành là năm nóng nhất kể từ khi nhân loại bắt đầu lưu giữ các hồ sơ đáng tin cậy về nền nhiệt trên Trái Đất.
Nhiệt độ trung bình trên bề mặt Trái Đất năm 2016 cao hơn năm 2015 khoảng 0,2 độ C, ở mức 14,8 độ C, tức là cao hơn 1,3 độ C so với giai đoạn trước cuộc Cách mạng công nghiệp./.