Viện Phát triển Quản trị Quốc tế (IMD) tại Thụy Sĩ ngày 27/5 đã công bố bảng xếp hạng thường niên về sức cạnh tranh kinh tế của 61 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới trong năm 2015.
Mỹ vẫn tiếp tục duy trí vị trí đầu bảng trong ba năm liên tục nhờ hiệu quả kinh doanh và khu vực tài chính mạnh, cùng với tính sáng tạo và tính hiệu quả của cơ sở hạ tầng.
Điều đặc biệt trong bảng xếp hạng nói trên là việc hai nền kinh tế châu Á gồm Hong Kong (Trung Quốc) và Singapore đã có sự vươn lên mạnh mẽ, vượt qua cả những quốc gia vốn có “thâm niên” dẫn đầu để giữ vị trí thứ hai và thứ ba về sức cạnh tranh kinh tế của mình. Thụy Sĩ đánh mất vị trí thứ hai về tay Hong Kong và tụt xuống thứ tư.
Trong tốp 10 nền kinh tế dẫn đầu còn có Canada, Luxembourg, Na Uy và Đan Mạch. Các quốc gia này đều thể hiện được sự gia tăng tính cạnh tranh kinh tế khi lần lượt tăng 2, 5, 3 và 1 bậc so với năm ngoái. Dù được mệnh danh là “đầu tàu” kinh tế của châu Âu, song Đức chỉ khiêm tốn đứng ở vị trí thứ 10.
IMD cho rằng những thay đổi về hiệu quả kinh doanh, kinh nghiệm quản lý, thị trường lao động, thái độ cũng như hệ giá trị là những yếu tố cốt lõi dẫn tới sự thay đổi thứ hạng cạnh tranh kinh tế nói trên.
Trong số các nền kinh tế mới nổi, Trung Quốc tăng một bậc và vươn lên vị trí thứ 22. Ấn Độ vẫn duy trì ở vị trí 44, còn Brazil giảm hai bậc xuống vị trị thứ 54 và theo sau đó là Nam Phi.
Một điều đáng chú ý trong bảng xếp hạng của IMD lần này là việc Nga và Ukraine đang sụt giảm mạnh thứ hạng về sức cạnh tranh kinh tế trong bối cảnh quan hệ giữa hai nước căng thẳng liên quan đến cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine. Cụ thể, Nga giảm từ thứ 38 xuống vị trí 45 trong khi Ukraine giảm tới 11 bậc xuống vị trí áp chót 60, chỉ xếp trên quốc gia đứng cuối bảng là Venezuela.
Giám đốc IMD Arturo Bris cho biết việc đánh giá sức cạnh tranh kinh tế của các quốc gia và vùng lãnh thổ được dựa trên các tiêu chí gồm kết quả kinh tế, hiệu quả trong hoạt động của chính phủ, hiệu quả trong kinh doanh và cơ sở hạ tầng./.