Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde ngày 9/1 đã bày tỏ lo ngại trước hoạt động yếu kém của các ngân hàng châu Âu, đồng thời cho biết các kỳ sát hạch năng lực sắp tới sẽ là cơ hội để các thể chế tài chính này xây dựng lòng tin.
Trong một bài viết đăng tải trên trang phân tích, bình luận "Project Syndicate," bà Lagarde nhận định một trong những vấn đề bất ổn của châu Âu là thể trạng yếu kém của các ngân hàng.
Bà nêu rõ mặc dù đang cho thấy nhiều dấu hiệu phục hồi song hệ thống tài chính châu Âu vẫn tăng trưởng ì ạch, không ổn định và đồng đều.
Theo Tổng Giám đốc Lagarde, bất chấp kết quả tăng trưởng khả quan của nhiều nước châu Âu, nhìn chung nhu cầu tiêu dùng vẫn yếu và tỷ lệ thất nghiệp trong khu vực vẫn ở mức cao, đặc biệt trong giới trẻ.
Trước thực tế này, bà kêu gọi giới chức lãnh đạo châu Âu thúc đẩy nhu cầu trong nước cũng như tiến hành cải cách để giải quyết tình trạng thất nghiệp đang ở mức cao.
Theo Tổng Giám đốc IMF, các bài sát hạch căng thẳng sắp tới cùng với đợt thẩm tra chất lượng tài sản có thể giúp các ngân hàng khôi phục lòng tin và tiến tới hội nhập tài chính.
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cho biết trong năm nay sẽ tổ chức các kỳ sát hạch đối với các ngân hàng nhằm đánh giá khả năng của các ngân hàng chống đỡ trước các cuộc khủng hoảng mới có thể xảy ra.
Đối với Hy Lạp, cùng ngày, IMF nhận định nền kinh tế nước này sẽ vẫn trong tình trạng bất ổn với nhiều thách thức phía trước. Cảnh báo này được đưa ra sau khi Chính phủ Hy Lạp mới đây tuyên bố sẽ chấm dứt việc xin cứu trợ của IMF, Liên minh châu Âu (EU) và ECB trong năm nay như đã thỏa thuận.
Phát biểu trước báo giới, người phát ngôn IMF William Murray cho biết nhiều nhà đầu tư đã tỏ ra hào hứng trở lại một số lĩnh vực trong nền kinh tế vốn đã trải qua sáu năm suy thoái liên tiếp của Hy Lạp dù vẫn tồn tại nhiều thách thức.
Tuy nhiên, ông Murray cũng cho rằng Athens có thể khôi phục lòng tin khá nhanh nếu nền kinh tế nước này đạt được một bước tiến mạnh.
Trước đó, Hy Lạp đã phải đề nghị các gói cứu trợ trị giá 110 tỷ euro vào năm 2010 và 130 tỷ euro cùng với thỏa thuận xóa nợ cho lĩnh vực tư nhân trị giá hơn 100 tỷ euro trong năm 2012.
Theo kế hoạch năm 2012, IMF sẽ tiếp tục hỗ trợ tài chính cho nước này tới năm 2016, trong khi EU và ECB muốn chấm dứt chương trình này trong năm nay./.