Trong dự báo kinh tế mới nhất về kinh tế châu Âu công bố ngày 24/10, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo rằng khoảng cách giữa GDP của châu Âu và Mỹ sẽ ngày càng gia tăng vào cuối thập kỷ này.
IMF cho rằng lực lượng lao động già đi và tăng trưởng năng suất thấp sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng GDP hàng năm của châu Âu trong 10 năm cho đến năm 2029 xuống chỉ còn 1,45%.
Tại Mỹ, tốc độ tăng trưởng bình quân cùng kỳ ước đạt 2,29%. Tăng trưởng kinh tế của Mỹ đã vượt châu Âu kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, đặc biệt là kể từ đại dịch COVID-19.
Ông Alfred Kammer, Giám đốc bộ phận châu Âu của IMF, cho biết lục địa này có những vấn đề “cơ bản” từ nhiều thập kỷ trước, nhấn mạnh rằng GDP bình quân mỗi lao động, được điều chỉnh theo sức mua, là tương đồng ở Mỹ, Đức, Pháp, Italy và Tây Ban Nha vào đầu thiên niên kỷ.
Ông Kammer cho biết trong hai thập kỷ rưỡi sau đó, khoảng cách giữa Mỹ và châu Âu ngày càng lớn, đồng thời lưu ý rằng thu nhập bình quân của người lao động ở bốn nước châu Âu ngày nay thấp hơn khoảng 20% so với ở Mỹ.
Ông Kammer nói thêm rằng đại dịch tạm thời làm trầm trọng thêm vấn đề, khi IMF ước tính tốc độ tăng trưởng trung bình của châu Âu đã giảm 0,6 điểm phần trăm so với hai thập kỷ tính đến năm 2019. Ngược lại, ở Mỹ, mức tăng trưởng dự kiến trong 10 năm tới năm 2029 đã tăng nhẹ so với những thập kỷ trước.
IMF cho biết sự tụt hậu của châu Âu có liên quan đến các yếu tố như mức đầu tư kinh doanh thấp và quá ít hoạt động xuyên biên giới, cùng với năng suất thấp hơn nhiều so với Mỹ.
Theo IMF, sự chênh lệch về năng suất ở Mỹ giữa châu Âu được thấy ở tất cả các lĩnh vực, nhưng đặc biệt rõ ràng đối với công nghệ.
IMF cho biết năng suất công nghệ của châu Âu gần như trì trệ kể từ năm 2005, trong khi tăng gần 40% ở Mỹ./.
Kinh tế Mỹ và châu Âu có nguy cơ chệch hướng - Những tín hiệu cảnh báo
Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã tăng lãi suất để đối phó với lạm phát cao do những gián đoạn kinh tế từ đại dịch COVID-19 và cuộc xung đột tại Ukraine.