Nền kinh tế Liên minh châu Âu tiếp tục tăng trưởng ảm đạm trong quý 2

Trong quý 2 vừa qua, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tại 20 quốc gia sử dụng đồng euro tăng trưởng khiêm tốn ở mức 0,3%, tương đương với quý đầu năm.

Người tiêu dùng mua sắm tại siêu thị ở Berlin (Đức). (Ảnh: THX/TTXVN)
Người tiêu dùng mua sắm tại siêu thị ở Berlin (Đức). (Ảnh: THX/TTXVN)

Ngày 30/7, Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) công bố số liệu cho thấy trong quý 2 vừa qua, nền kinh tế Liên minh châu Âu (EU) ghi nhận mức tăng trưởng khiêm tốn, trong đó Đức - nền kinh tế hàng đầu khu vực, vẫn trong tình trạng trì trệ.

Theo Eurostat, trong quý 2, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tại 20 quốc gia sử dụng đồng euro tăng trưởng khiêm tốn ở mức 0,3%, tương đương với quý 1 - quý đánh dấu mức tăng trưởng đầu tiên sau hơn một năm đình trệ.

Mức tăng trưởng ảm đạm trong sáu tháng đầu năm nay ghi nhận sau năm quý liên tiếp GDP tăng trưởng loanh quanh ở mức 0% do lạm phát leo thang khiến sức mua của người tiêu dùng giảm.

Giá năng lượng tại các nước EU đã tăng vọt sau khi Nga cắt hầu hết nguồn cung khí đốt tự nhiên vào năm 2022 do xung đột tại Ukraine. Tác động của đại dịch COVID-19 cũng đã làm gián đoạn nguồn cung phụ tùng và nguyên liệu thô.

Tại Đức, cuộc khủng hoảng kinh tế có thể sẽ kéo dài hơn dự đoán của giới chuyên gia. Văn phòng Thống kê Liên bang Đức công bố số liệu sơ bộ cho thấy, trong quý 2, nền kinh tế số một châu Âu suy giảm 0,1% so với quý trước đó.

Trong quý 1 năm nay, kinh tế Đức chỉ tăng 0,2% sau khi suy giảm 0,4% trong quý cuối năm 2023. Sự trì trệ của kinh tế Đức - tức là thời kỳ tăng trưởng rất ít hoặc không tăng trưởng - đã diễn ra trong một thời gian dài.

Kể từ sau quý 3 năm 2022 khi sản lượng kinh tế tăng 0,6%, đã gần hai năm nay tăng trưởng kinh tế Đức luôn ở mức dưới 0,5%.

Nguyên nhân khiến kinh tế Đức rơi vào tình trạng "thiếu sức sống" là do sự đan xen giữa các ảnh hưởng bên ngoài và các yếu tố bên trong.

Đặc biệt, ngành công nghiệp, vốn đóng vai trò trụ cột của nền kinh tế, gần đây lại phát triển yếu. Đơn đặt hàng yếu kém và sản xuất suy giảm chủ yếu do nhu cầu từ nước ngoài ít hơn.

Bên cạnh đó, tiêu dùng cá nhân tiếp tục không đạt được kỳ vọng. Mặc dù các hộ gia đình có thu nhập cao hơn vì tiền lương đang tăng nhanh hơn giá cả, nhưng thay vì chi tiêu, họ lại tiết kiệm nhiều hơn, chủ yếu do sự chưa chắc chắn liên quan đến chính sách kinh tế và tài chính.

Các chuyên gia kinh tế cho đến nay vẫn dự đoán rằng kinh tế Đức sẽ tăng trưởng nhẹ trở lại trong năm nay, tuy nhiên nhiều chỉ số ban đầu cho thấy tình hình kinh tế sẽ không cải thiện sau quý 2.

Trong khi đó, tại Pháp, các dữ liệu chính thức công bố ngày 30/7 cho thấy nền kinh tế lớn thứ hai EU tăng trưởng nhanh hơn dự báo trong quý 2.

Chính phủ Pháp hiện đang phải vật lộn với tình trạng thâm hụt và khoản nợ ngày càng lớn, kỳ vọng tỷ lệ tăng trưởng tốt hơn sẽ giúp giảm nhẹ những vấn đề này.

Trong quý 2, nền kinh tế Pháp tăng trưởng 0,3%, so với mức dự báo 0,1% của Cơ quan Thống kê Pháp (INSEE) đưa ra trước đó. GDP của Pháp tăng trưởng tốt nhờ hoạt động xuất nhập khẩu và sự phục hồi trong đầu tư của doanh nghiệp.

Xuất khẩu tăng 0,6%, trong khi nhập khẩu ổn định. Nhu cầu trong nước ít đóng góp vào sự tăng trưởng này, trong khi chi tiêu của người tiêu dùng nhìn chung ổn định. Tuy nhiên, chỉ riêng trong tháng Sáu, chỉ số này đã giảm 0,5% do các hộ gia đình tiêu thụ ít thực phẩm và năng lượng hơn.

INSEE cho biết hiệu suất kinh tế của Pháp đang trên đà đạt được hoặc thậm chí vượt quá dự báo tăng trưởng chung 1% trong năm nay của Bộ Tài chính.

Mặc dù Bộ Tài chính đặt mục tiêu cắt giảm ngân sách 25 tỷ euro (27 tỷ USD) trong năm nay, nhưng chi tiêu của chính phủ thực tế đã tăng trong quý 2, tăng 0,6% cho đầu tư và 0,3% cho hàng tiêu dùng.

Đầu tháng này, INSEE cho biết Olympic Paris 2024 do Pháp đăng cai sẽ tạo ra 0,3% tăng trưởng kinh tế bổ sung trong quý 3, đưa mức tăng trưởng trong ba tháng tính đến tháng Chín lên mức 0,5%./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục