IMF cảnh báo nguy cơ đe dọa hệ thống các ngân hàng quốc tế

IMF cảnh báo cuộc khủng hoảng Ukraine và phương Tây siết chặt các lệnh trừng phạt chống Nga có thể làm gia tăng rủi ro đối với những ngân hàng có giao dịch làm ăn với hai nước này.
IMF cảnh báo nguy cơ đe dọa hệ thống các ngân hàng quốc tế ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Cuộc khủng hoảng Ukraine và phương Tây siết chặt các lệnh trừng phạt chống Nga có thể làm gia tăng rủi ro đối với những ngân hàng có giao dịch làm ăn với hai nước này.

Đây là cảnh báo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) trong báo cáo đánh giá tài chính nền kinh tế toàn cầu công bố ngày 29/7.

Trong báo cáo, IMF nêu rõ do tác động của các lệnh trừng phạt kinh tế của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU), các doanh nghiệp Nga có thể đối mặt với tình trạng cạn kiệt nguồn thu và các nguồn tài chính, từ đó dẫn tới nguy cơ không thể trả nợ.

Theo IMF, các ngân hàng đang gặp rủi ro tín dụng sẽ đối mặt với nguy cơ vỡ nợ ngày càng cao do chất lượng tín dụng của Nga và Ukraine xấu đi.

Tình hình chiến sự tại miền Đông Ukraine leo thang và các lệnh trừng phạt Nga có thể gây những tác động tiêu cực đối với nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt tại khu vực châu Âu và Trung Á.

Theo các chuyên gia IMF, các ngân hàng Áo là những thể chế dễ bị tổn thương nhất và những hậu quả đối với các ngân hàng này có thể ảnh hưởng tới các kênh tín dụng tại châu Âu.

Ngoài ra, các ngân hàng Pháp, Italy và Thụy Điển cũng đối mặt với những rủi ro lớn hơn so với các ngân hàng của các nước phát triển.

Trong báo cáo, IMF cũng nêu bật những nguy cơ về gián đoạn nguồn cung khí đốt từ Nga sang châu Âu.

Nga cung cấp khoảng 35% nhu cầu khí đốt của châu Âu và một nửa trong số đó trung chuyển qua Ukraine.

Hầu hết các quốc gia ở khu vực Trung, Đông và Đông Nam Âu đều phụ thuộc nhiều vào khí đốt của Nga, với tỷ lệ từ 40% đến 100%.

Trong khi đó, Áo, Phần Lan và Đức là những nước thành viên Khu vực đồng euro (Eurozone) phụ thuộc chủ yếu vào nguồn nhập khẩu khí đốt của Nga.

Tuy nhiên, IMF cũng cho biết giá khí đốt trên thế giới vẫn ở mức ổn định bất chấp xung đột tại Ukraine. Trong khi đó, thị trường kim loại trên thế giới bắt đầu có dấu hiệu bị tác động.

Hồi cuối tháng Tư vừa qua, giá của hai kim loại chính trong một số ngành công nghiệp là palladium và nickel đã tăng khoảng 10% sau khi Nga sát nhập trở lại Crimea.

Sản lượng palladium của Nga chiếm khoảng 40% sản lượng toàn cầu, trong khi sản lượng nickel chiếm 1 2-14%.

Hồi tuần trước, IMF cũng đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới trong năm nay từ mức 3,7% đưa ra trước đó xuống mức 3,4% do xung đột địa chính trị tại Ukraine và khu vực Trung Đông.

IMF cũng hạ dự báo tăng trưởng của nền kinh tế Nga xuống 0,2%, giảm mạnh từ mức 1,3%, đồng thời cảnh báo nguy cơ suy thoái của nước này trong năm nay.

Lý do mà IMF đưa ra là "tăng trưởng kinh tế Nga đang chững lại, trong khi nhu cầu nội địa giảm mạnh"./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trung Quốc thông báo giảm lãi suất cho vay cơ bản

Lãi suất cho vay cơ bản kỳ hạn 1 năm đã được giảm 0,25 điểm phần trăm, từ 3,35% xuống 3,10%, trong khi lãi suất cho vay cơ bản kỳ hạn 5 năm cũng được giảm mức tương tự từ 3,85% xuống 3,6%.