Ngày 11/11, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã chính thức thông qua khoản cho vay trị giá 12 tỷ USD trong thời hạn ba năm cho Ai Cập để giúp nước này phục hồi nền kinh tế đang gặp khủng hoảng nghiêm trọng.
Trong một tuyên bố, Hội đồng Quản trị IMF cho biết thể chế tài chính quốc tế này sẽ giải ngân ngay lập tức khoản tiền 2,75 tỷ USD cho Ai Cập, trong khi số tiền còn lại sẽ được chuyển cho Cairo phụ thuộc vào tình hình cải thiện kinh tế cũng như việc thực hiện cải cách của đất nước Bắc Phi.
IMF cho rằng chương trình cải cách "sẽ giúp Ai Cập khôi phục và ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng toàn diện."
Các chính sách hỗ trợ của gói tín dụng này nhằm mục đích giúp Ai Cập tự điều chỉnh sự mất cân bằng bên ngoài và khôi phục khả năng cạnh tranh, giảm thâm hụt ngân sách và nợ công, thúc đẩy tăng trưởng và tạo công ăn việc làm trong khi bảo vệ các nhóm dân cư dễ bị tổn thương.
Hãng thông tấn nhà nước MENA cho biết Ngân hàng Trung ương Ai Cập (BCE) khẳng định khoản vay từ IMF sẽ giúp nâng cao dự trữ ngoại hối quốc gia lên mức 23,5 tỷ USD.
Cuối tháng 10, dự trữ ngoại hối ròng của Ai Cập đã giảm xuống mức 19,04 tỷ USD.
Tuyên bố của IMF được đưa ra chỉ vài ngày sau khi Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde cho biết bà "ủng hộ chương trình cải cách kinh tế đầy tham vọng" của Ai Cập.
Theo bà Lagarde, cải cách sẽ giúp khôi phục sự ổn định kinh tế vĩ mô và đưa nền kinh tế Ai Cập hoạt động hiệu quả nhằm khai thác tốt mọi tiềm năng của mình.
Hồi giữa tháng Tám, Ai Cập đã đạt được một thỏa thuận sơ bộ với IMF về khoản vay nói trên. Từ năm 2014, Chính phủ Ai Cập đã bắt tay kiềm chế thâm hụt ngân sách nhà nước ngày càng tăng, ước đạt 12,2% GDP trong tài khóa 2015-2016.
Chương trình cải cách kinh tế của quốc gia Bắc Phi bao gồm cắt giảm các khoản trợ cấp và áp dụng một số loại thuế mới, chẳng hạn như thuế giá trị gia tăng (VAT).
Tuần trước, IMF hoan nghênh quyết định của BCE thả nổi đồng Bảng Ai Cập và nói rằng biện pháp này sẽ "tăng cường khả năng cạnh tranh và thu hút đầu tư nước ngoài."
Việc Ai Cập phải nhập khẩu rất nhiều loại hàng hóa từ nước ngoài, khiến cuộc khủng hoảng ngoại tệ hiện nay ngày một trầm trọng, trong bối cảnh các nguồn thu ngoại tệ như du lịch, kênh đào Suez, kiều hối và khí đốt suy giảm kể từ cuộc cách mạng năm 2011 do tình trạng bất ổn chính trị trong nước và điều kiện kinh tế quốc tế khó khăn./.