Các quan chức của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) là nhà kinh tế trưởng Maurice Obstfeld, người phụ trách về châu Âu Poul Thomsen và trưởng bộ phận pháp chế Sean Hagan ngày 23/2 đã cảnh báo về việc giả định "các khoản nợ không thể thanh toán" có thể được hoàn trả.
Theo thông tin trên một blog, ba các quan chức này nói việc giả định rằng các khoản nợ không thể thanh toán có thể được hoàn trả sẽ chỉ làm giảm hiệu quả những nỗ lực của các chủ nợ và nhà tài trợ, cuối cùng khiến cho tất cả các bên bị mất nhiều hơn so với việc đối mặt với thực tế.
Quan điểm mà các quan chức của IMF đưa ra là nếu nợ của một nước vẫn không bền vững sau khi một chương trình cải cách quyết liệt đã được thực hiện, việc giải quyết vấn đề bằng việc thắt lưng buộc bụng hơn sẽ không khả thi, và bất kỳ đánh giá nào về tính bền vững của nợ cần phải thực tế hơn là mang tính giả định, dựa trên các dự báo về tăng trưởng.
Các quan chức trên nhấn mạnh rằng khi nợ công không bền vững, giảm nợ, cùng với chương trình cải cách quyết liệt và đáng tin cậy, là cách giải quyết vấn đề tốt nhất. Điều cũng được nhắc lại là IMF không thể hỗ trợ tài chính cho những nước đối mặt với nợ không bền vững, trừ phi có những biện pháp cụ thể được đưa ra như tái cơ cấu nợ trong trung hạn.
Theo họ, một chương trình cho vay không giải quyết được vấn đề nợ không bền vững sẽ làm tình hình trầm trọng thêm, khi khiến chỗ đứng của Hy Lạp trong khu vực đồng tiền chung trở nên chênh vênh.
Vấn đề gây tranh cãi chính hiện nay giữa IMF và châu Âu là về việc Hy Lạp có thể đạt mục tiêu thặng dư ngân sách trước khi thanh toán nợ, ở mức tương đương 3,5% GDP hay không, khi đây là mức vượt xa con số 1,5% GDP mà IMF cho là khả thi.
Các quan chức IMF hoan nghênh nỗ lực to lớn của người dân Hy Lạp và kêu gọi không áp đặt thêm các biện pháp khắc khổ, dù đánh giá một số cải cách vẫn chưa hoàn thành, trong đó có cải cách hệ thống thuế và lương hưu.
Một báo cáo của IMF vào tháng trước đưa ra cảnh báo nợ của Hy Lạp sẽ không bền vững trong dài hạn, nếu nước này không được giảm nợ.
Nhiều tháng tranh cãi đã làm trì hoãn việc tiếp tục triển khai gói cứu trợ trị giá 86 tỷ euro (92,4 tỷ USD) cho Hy Lạp. Người phát ngôn của IMF, Gerry Rice nói với báo giới ngày 23/2 rằng điều kiện để quỹ này tham gia vào chương trình cứu trợ Hy Lạp là nước này vừa phải cải cách vừa phải tái cơ cấu nợ.
Nhóm làm việc của IMF sẽ trở lại Athens vào đầu tuần tới để tiếp tục đàm phán về các cải cách kinh tế cần thực hiện./.