Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vừa hạ dự báo tăng trưởng năm 2015 của Các tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE) do tác động của sự sụt giảm giá dầu đối với lĩnh vực năng lượng của quốc gia vùng Vịnh này.
Nền kinh tế của UAE được dự báo sẽ tăng trưởng 3,5% trong năm nay, giảm 1,0 điểm phần trăm so với dự báo của IMF được đưa ra hồi tháng 10/2014.
Kinh tế của Abu Dhabi dự kiến tăng trưởng 3% do lĩnh vực dầu mỏ sa sút. Các lĩnh vực kinh tế phi dầu mỏ của tiểu vương quốc này dự kiến tăng trưởng 5,5%. Trong khi đó, kinh tế của Dubai dự kiến đạt mức tăng trưởng 4,5% trong năm nay và 4,6% trong năm tới.
IMF cũng hạ dự báo tăng trưởng của toàn bộ các nước thuộc Tổ chức Hợp tác vùng Vịnh (GCC) xuống còn 3,4%, giảm 1,0 điểm phần trăm so với dự báo trước đó.
Theo Giám đốc phụ trách Trung Đông và Trung Á của IMF Masood Ahmed, các nước xuất khẩu dầu mỏ tại Trung Đông là những trường hợp đầu tiên bị ảnh hưởng do sự suy giảm giá dầu. Các nước GCC sẽ chịu ảnh hưởng mạnh nhất từ việc giá dầu sụt giảm, với việc kim ngạch xuất khẩu giảm khoảng 300 tỷ USD trong năm nay, chiếm khoảng 1/5 GDP của cả khu vực.
Theo tính toán của IMF, điểm hòa vốn của giá dầu UAE là 57 USD. Điều đó có nghĩa là UAE có khả năng sẽ bị thâm hụt ngân sách 3,7% GDP trong năm nay và năm tới trước khi thặng dư trở lại trong năm 2017.
Tuy nhiên, với dự trữ tài chính lớn (tương đương với khoảng 400% GDP), UAE sẽ không phải cắt giảm chi tiêu sớm. Với lớp đệm lớn là các tài sản ở nước ngoài, việc chi trả cho thâm hụt tài chính sẽ không phải là vấn đề đối với UAE.
Ông Masood Ahmed cũng cho rằng đây là quãng thời gian các nước GCC sử dụng các khoản dự trữ, thay vì phản ứng thiếu linh hoạt bằng cách cắt giảm hoạt động kinh tế và chi tiêu chính phủ. Tính chất không ổn định của giá dầu khiến IMF không thể khẳng định chắc chắn điều gì sẽ xảy ra với tốc độ tăng trưởng ở khu vực vùng Vịnh Arập./.