IMF: Kinh tế Đức sẽ ảnh hưởng nặng nề nếu Nga ngừng cung cấp khí đốt

Trong bối cảnh lo ngại ngày càng gia tăng Moskva siết chặt hơn nữa nguồn cung, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo mức thiệt hại của Đức sẽ lên tới 2,7% GDP vào năm 2023 và 0,4% vào năm 2024.
Đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 1 tại Lubmin, Đức ngày 8/3/2022. (Ảnh: Reuters/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Đức, việc Nga dừng nguồn cung khí đốt tới Đức có thể khiến nền kinh tế lớn nhất châu Âu thiệt hại 1,5% GDP trong năm 2022.

Trong bối cảnh lo ngại ngày càng gia tăng Moskva siết chặt hơn nữa nguồn cung, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo mức thiệt hại của Đức sẽ lên tới 2,7% GDP vào năm 2023 và  0,4% vào năm 2024.

Trong thông báo ra ngày 20/7, IMF cảnh báo nếu khả năng Nga đóng hoàn toàn đường ống dẫn khí Nord Stream 1 (Dòng chảy phương Bắc 1) xảy ra, hoạt động kinh tế của Đức có thể giảm sút đáng kể và lạm phát gia tăng mạnh.

IMF cho rằng rủi ro sẽ là rất lớn với nền kinh tế Đức nếu Nga đóng hoàn toàn đường ống Nord Stream 1, trong khi nền kinh tế toàn cầu suy yếu và tắc nghẽn nguồn cung trên diện rộng. Thậm chí, tăng trưởng của Đức có thể bằng 0 ngay trong những quý tới.

[Đa số người Đức bày tỏ lo ngại thiếu khí đốt vào mùa Đông]

Trong dự báo của mình, IMF cho rằng kinh tế Đức chỉ có thể tăng trưởng 1,2% trong năm 2022 và 0,8% năm 2023.

Ngoài ra, theo IMF, giá năng lượng tăng cùng với việc cắt giảm nguồn cung khí đốt từ Nga đồng nghĩa với việc lạm phát có khả năng tiếp tục tăng cao trong 2 năm tới.

Dự báo lạm phát ở Đức có thể sẽ lên tới 7,7% trong năm 2022 và 4,8% năm 2023.

Nga đã cắt giảm 60% nguồn cung khí đốt tới Đức kể từ giữa tháng 6 với lý do bảo trì theo định kỳ.

Tuy nhiên, Berlin đã bác bỏ lời giải thích về lý do này của Tập đoàn năng lượng Gazprom và cho rằng Nga đang siết chặt nguồn cung để trả đũa các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Moskva liên quan đến cuộc xung đột tại Ukraine.

Theo kế hoạch, việc bảo trì đường ống sẽ hoàn thành vào ngày 21/7, tuy nhiên, Chính phủ Đức dự đoán Gazprom sẽ không nối lại hoạt động cung cấp khí đốt qua đường ống này như lịch trình.

Hiện nhà chức trách đang theo dõi chặt chẽ để xem liệu nguồn cung cấp có tiếp tục hay không và ở mức độ nào./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục