IMF: Tác động từ sự suy giảm kinh tế Trung Quốc lớn hơn dự báo

Nền kinh tế thế giới, đặc biệt là các nước mới nổi, sẽ phải chịu sự tác động lớn hơn dự báo từ sự suy giảm của kinh tế Trung Quốc.
Kiểm tiền giấy mệnh giá 100 nhân dân tệ tại ngân hàng ở Liên vận cảng, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc ngày 11/8. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Nền kinh tế thế giới, đặc biệt là các nước mới nổi, sẽ phải chịu sự tác động lớn hơn dự báo từ sự suy giảm của kinh tế Trung Quốc.

Đây là cảnh báo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đưa ra ngày 2/9 trong một báo cáo trước thềm cuộc họp của Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) dự kiến diễn ra cuối tuần này tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo báo cáo của IMF, triển vọng kinh tế toàn cầu trong 6 tháng cuối năm, nhất là các nền kinh tế mới nổi, sẽ không mấy sáng sủa do chịu tác động từ các yếu tố cơ bản gồm kinh tế Trung Quốc suy giảm, thị trường tài chính biến động và thị trường nguyên liệu thô không ổn định.

IMF cho rằng chỉ số kinh tế không khả quan của Trung Quốc trong thời gian qua và một số yếu tố khác như sự đảo ngược của luồng vốn đã làm gia tăng nguy cơ đối với tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Sự suy giảm của kinh tế Trung Quốc, từ một nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng ấn tượng ở mức hơn 7% chuyển sang giai đoạn chững lại, gây ra những tác động lớn hơn dự báo, thể hiện qua những biến động về giá cả các hàng hóa quan trọng và trên thị trường chứng khoán thế giới.

IMF cho rằng bắt nguồn từ những lỗ hổng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này, nguy cơ sụt giảm trong tương lai gần càng tăng đối với các nền kinh tế mới nổi do một số ngành xuất khẩu chủ chốt của những quốc gia này bị ảnh hưởng.

IMF dẫn chứng cho thấy hoạt động kinh tế của Trung Quốc không không khởi sắc đã đẩy dầu mỏ và đồng - hai mặt hàng xuất khấu chính của Brazil, Nga và một số nước khác- rớt giá thảm hại.

Chỉ trong hơn một năm, giá "vàng đen" từ mức hơn 100 USD/thùng đã có thời điểm giảm xuống 45 USD/thùng.

Trong khi đó, sự biến động của tỷ giá đồng nhân dân tệ của Trung Quốc và xu hướng mạnh lên của đồng USD cũng khiến các nền kinh tế mới nổi không tránh bị liên lụy. IMF cảnh báo rằng giới doanh nghiệp tại các nước có các khoản nợ bằng USD cần thận trọng hơn, tránh kịch bản xấu có thể xảy ra.

Bên cạnh đó, IMF cũng quan ngại về khả năng Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (F​ed) sớm nâng mức lãi suất gần bằng 0% như hiện nay sẽ gây ra tình trạng rút vốn ồ ạt khỏi các nền kinh tế mới nổi và khiến đồng USD sẽ càng tăng.

Theo đánh giá của IMF, chính sách tiền tệ này như "con dao hai lưỡi": một mặt thúc đẩy thị trường toàn cầu, tuy nhiên mặt khác các nền kinh tế đang nổi sẽ đối mặt với những khoản nợ bằng USD lớn hơn trong khi phải huy động thêm đồng nội tệ để thanh toán.

Về phía Trung Quốc, những lần điều chỉnh giá đồng nhân dân tệ cũng đã làm chao đảo thị trường chứng khoán toàn cầu trong thời gian qua, đồng thời buộc một số nước phải hạ tỷ giá đồng nội tệ của mình.

Trước những nguy cơ này, IMF hối thúc các nước phát triển cần duy trì các chính sách nới lỏng tiền tệ của mình, song song với các chính sách tài khóa hợp lý.

Bên cạnh đó, để tránh tăng trưởng sụt giảm, thể chế chính đa phương này cũng khuyến cáo chính phủ các nền kinh tế mới nổi cần có cái nhìn thận trọng hơn với mục tiêu cân bằng giữa thức đẩy tăng trưởng và giải quyết hiệu quả những yếu kém trong kinh tế.

Ngoài ra, một số quốc gia mới nổi cũng được khuyến cáo hạ giá đồng nội tệ để tăng xuất khẩu và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. IMF đồng thời nhấn mạnh tới vai trò của cải tổ cơ cấu nhằm mở cửa các thị trường, khuyếnk khích đầu tư và tiêu dùng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục