Vụ nổ Thiên Tân gióng lên hồi chuông về “công xưởng thế giới”

Hai vụ nổ ở Thiên Tân (Trung Quốc) đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về thực trạng an toàn lao động tại “công xưởng thế giới” cũng như mối nguy hại về môi trường sau vụ nổ.
Vụ nổ Thiên Tân gióng lên hồi chuông về “công xưởng thế giới” ảnh 1Vụ nổ tại Thiên Tân là đòn giáng mạnh vào nền kinh tế Trung Quốc. (Ảnh: THX/TTXVN)

Hai vụ nổ xảy ra ở thành phố cảng Thiên Tân (Trung Quốc) vào đêm 12/8 vừa qua đã gióng lên những hồi chuông cảnh báo về thực trạng an toàn lao động đang bị “bỏ bê” tại “công xưởng thế giới” cũng như mối nguy hại về môi trường sống sau vụ nổ.

Theo số liệu cập nhật của các cơ quan cứu hộ Trung Quốc, tính đến ngày 25/8, số người tử vong trong vụ nổ kho hoá chất ở Thiên Tân đã lên tới 135 người, 38 người vẫn mất tích.

Các nhà phân tích của Credit Suisse dự báo hai vụ nổ này có thể khiến các hãng bảo hiểm thiệt hại từ 1-1,5 tỷ USD.

Vụ nổ ở Thiên Tân và hàng loạt vụ tai nạn nghiêm trọng khác trong thời gian gần đây đã làm bộc lộ những vấn đề nghiêm trọng về an toàn lao động ở Trung Quốc.

Nhiều doanh nghiệp đã bỏ qua vấn đề an toàn để giảm chi phí và nạn tham nhũng giúp họ thoát khỏi những vụ thanh tra hiếm hoi.

Một số chuyên gia phương Tây nhấn mạnh an toàn lao động không được chú trọng, các quy định bị bỏ qua, tham nhũng lan tràn ở mọi cấp độ, thiếu vắng sự minh bạch, "thói quen" giấu giếm mỗi lần xảy ra thảm họa là những vấn đề được phơi bày qua tai nạn ở Thiên Tân.

Thậm chí, tầm cỡ của thảm họa tại Thiên Tân và sự hiện diện của khối lượng lớn các chất độc hại khiến người ta liên tưởng đến một thảm họa khác, là vụ nhà máy điện hạt nhân Tchernobyl ở Ukraine năm 1986.

Trong khi thế giới đang nghi ngại về đà tăng trưởng chậm lại của kinh tế Trung Quốc, các vụ nổ Thiên Tân đã nhắc nhở những hạn chế của “mô hình Trung Quốc.” "Người khổng lồ châu Á" này không thể mãi tự xưng là động lực của nền kinh tế thế giới trong khi không có sự bảo đảm về an ninh và an toàn cho mạng lưới công nghiệp.

Thảm họa xảy ra tại Thiên Tân được coi là dấu hiệu báo trước những nguy cơ từ quả bom nổ chậm mà ba thập kỷ qua vẫn được coi là “công xưởng” của toàn cầu.

Theo tờ L’Humanité (Pháp), thảm họa công nghiệp tại Thiên Tân hiện nay có thể biến thành thảm họa môi trường bởi sự việc xảy ra tại kho vận chuyển và lưu trữ các loại hóa chất nguy hiểm. Các nhà chức trách Trung Quốc đã xác nhận, có chất natri xyanua (NaCN) độc hại gây chết người trong hai vụ nổ kinh hoàng tại Thiên Tân.

Thực tế này đã khiến nhiều người đặt ra câu hỏi về việc tại sao hóa chất nguy hiểm lại được để ở nơi quá gần khu vực dân sinh. Theo quy định của Trung Quốc, kho chứa hàng hóa độc hại phải cách nhà dân, các công trình công cộng và tuyến đường chính ít nhất 1.000 m.

Những "biến cố" liên tục xảy đến tại Trung Quốc - với kinh tế giảm tốc, chứng khoán lao dốc cùng các vụ nổ ở Thiên Tân và Sơn Đông - đang làm dấy lên lo ngại về khả năng đứng vững của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới cùng những tác động đối với kinh tế toàn cầu.

Một chuyên gia phương Tây nhận định, Trung Quốc đang ở trong một môi trường kinh tế tài chính cực kỳ xấu và bất lợi nhất từ 20 năm nay.

Cuốn phim khủng hoảng tại Trung Quốc như một gáo nước lạnh dội vào nhà đầu tư và làm họ ý thức được "thế yếu" của các nền kinh tế đang nổi lên như Trung Quốc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.