Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ngày 12/2 đã thông qua đợt giải ngân mới trị giá 910 triệu euro (1,24 tỷ USD) cho Bồ Đào Nha, sau khi quốc gia thành viên Khu vực đồng euro (Eurozone) này vượt qua cuộc đánh giá thứ 10 đối với quá trình thực hiện các cam kết cải cách kinh tế, một điều kiện chủ chốt để nhận cứu trợ.
Theo Phó Giám đốc điều hành IMF Nemat Shafix, Chính phủ Bồ Đào Nha đã thực hiện tốt các cam kết đưa ra và những kết quả hoạt động kinh doanh của nước này rất đáng khen ngợi.
Đợt giải ngân mới này đưa Lisbon tiến gần hơn tới thời điểm rút khỏi chương trình cứu trợ chung của nhóm "bộ ba" chủ nợ (gồm Liên minh châu Âu, Ngân hàng Trung ương châu Âu và IMF), dự kiến hết hạn vào tháng 5/2014.
Mặc dù vậy, IMF vẫn kêu gọi Chính phủ Bồ Đào Nha không nên quá nhượng bộ trước sức ép đòi tăng chi tiêu công, khuyến cáo nước này nên tiếp tục chương trình cải cách cơ cấu hệ thống tài chính.
Ông Shafix nhấn mạnh việc hoàn tất chương trình củng cố tài chính để giảm mức nợ công từng là nguy cơ nhấn chìm nền kinh tế thành viên Eurozone này vẫn là yếu tố hết sức quan trọng.
Cho đến nay, IMF đã giải ngân hơn 25 tỷ euro trong tổng số 26,87 tỷ euro phần đóng góp của định chế tài chính này trong gói cứu trợ chung trị giá 78 tỷ euro dành cho Bồ Đào Nha.
Trước đó, Chính phủ Bồ Đào Nha cho rằng những tiến bộ mà nước này đạt được trong quá trình tái cơ cấu hệ thống tài chính cũng như thành công trong việc huy động 3 tỷ euro từ thị trường tài chính là minh chứng cho thấy Lisbon có thể hoàn toàn thoát khỏi gói cứu trợ quốc tế ba tháng trước khi hết hạn.
Những số liệu mới nhất về cán cân thương mại cũng cho thấy những cải tổ vừa qua đã giúp Bồ Đào Nha lấy lại đà phục hồi và hướng nền kinh tế về xuất khẩu. Sự sẵn sàng của các nhà đầu tư quốc tế, chủ yếu là các quỹ đầu tư, trong việc mua vào trái phiếu của Bồ Đào Nha ở mức lãi suất phù hợp, cũng là bằng chứng cho thấy những cải cách đúng hướng đã giúp lấy lại lòng tin thị trường.
Theo thỏa thuận cứu trợ trị giá 78 tỷ euro mà Bồ Đào Nha đạt được với nhóm "bộ ba" chủ nợ quốc tế hồi tháng 5/2011, Lisbon đã phải ban hành nhiều biện pháp khắc khổ để kiểm soát tài chính như tăng thuế kết hợp cắt giảm chi tiêu, lương và các phúc lợi xã hội. Cho đến nay, nước này đã nhận được 71,4 tỷ euro trong tổng số tiền cứu trợ mà các chủ nợ cam kết./.