Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ngày 12/7 cảnh báo Mỹ sẽ gặp nhiều thách thức trong việc thoát khỏi suy thoái, khi tiếp tục hạ dự báo tăng trưởng của nền kinh tế đầu tàu thế giới trong năm 2022 từ mức 2,9% đưa ra cuối tháng Sáu xuống còn 2,3%.
Bên cạnh đó, thể chế tài chính này cũng hạ dự báo tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực tế của Mỹ trong năm 2023 từ mức 1,7% đưa ra ngày 24/6 xuống còn 1,7%.
IMF đã điều chỉnh báo cáo cuối cùng, công bố ngày 8/7, nhằm phản ánh mức giảm đối với GDP trong quý 1/2022 của Mỹ và chi tiêu tiêu dùng yếu trong tháng Năm vừa qua.
[Nền kinh tế Mỹ có nguy cơ rơi vào suy thoái trở lại]
Báo cáo vừa được điều chỉnh cũng nhấn mạnh những thách thức mà cường quốc số 1 thế giới phải đối mặt do lạm phát tăng cao và việc Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phải tăng lãi suất để kiểm soát giá cả.
Trong tuyên bố, các giám đốc điều hành IMF khẳng định việc lạm phát tăng trên diện rộng "gây ra những rủi ro hệ thống cho cả Mỹ và nền kinh tế toàn cầu."
Do đó, ưu tiên chính sách hiện nay sẽ phải là sớm kìm hãm đà tăng của giá cả và lương mà không gây ra suy thoái. IMF khẳng định đây là nhiệm vụ khó khăn.
IMF cho biết việc thắt chặt chính sách tiền tệ của Fed sẽ giúp giảm lạm phát xuống 1,9% trong quý 4/2023, so với dự báo 6,6% trong quý 4/2022. Điều này tiếp tục làm chậm đà tăng trưởng của Mỹ, song IMF vẫn dự đoán nền kinh tế đầu tàu thế giới sẽ tránh được suy thoái.
Theo nhà kinh tế học Andrew Hodge thuộc Vụ Tây bán cầu của IMF, việc Fed tăng lãi suất và chi tiêu chính phủ ít hơn sẽ làm chậm tăng trưởng chi tiêu của người tiêu dùng "xuống khoảng 0 vào đầu năm tới."
Nhu cầu chậm lại sẽ làm tăng tỷ lệ thất nghiệp lên khoảng 5% vào cuối năm 2023, kéo theo tiền lương giảm xuống.
Các giám đốc điều hành IMF cũng kêu gọi thông qua các đề xuất chi tiêu xã hội và chống biến đổi khí hậu của Tổng thống Mỹ Joe Biden vốn bị đình trệ, đồng thời cho biết các đề xuất này thúc đẩy sự tham gia của lực lượng lao động, làm giảm lạm phát, đồng thời giúp tạo điều kiện cho quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế carbon thấp.
Bên cạnh đó, các giám đốc IMF cũng đề xuất áp đặt lại các hạn chế thương mại và tăng thuế quan, vốn được đưa ra trong 5 năm qua, ám chỉ việc áp đặt thuế quan đối với hàng hóa, các sản phẩm nhôm, thép và các mặt hàng của Trung Quốc, vốn bị áp đặt dưới thời của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump song bị đình chỉ dưới thời Tổng thống Biden./.