Ngày 7/9, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và các cơ quan quản lý tài chính toàn cầu đã đưa ra lộ trình phối hợp các biện pháp nhằm ngăn chặn các tài sản tiền điện tử làm suy yếu sự ổn định tài chính và kinh tế vĩ mô. Dự kiến, vấn đề này sẽ được đưa ra tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Ấn Độ từ ngày 9-10/9.
Trong báo cáo, IMF và Ban Ổn định tài chính của G20 nhận định những nguy cơ đe dọa sự ổn định tài chính và kinh tế toàn cầu ngày càng trở nên trầm trọng hơn do không tuân thủ các quy định hiện hành trong một số trường hợp.
Tài liệu cho rằng việc sử dụng rộng rãi tài sản tiền điện tử có thể làm suy yếu tính hiệu quả của chính sách tiền tệ, không tuân thủ các biện pháp quản lý dòng vốn, làm trầm trọng thêm các rủi ro tài chính, làm thay đổi quá trình phân bổ nguồn lực tài chính cho một nền kinh tế thực và đe dọa sự ổn định tài chính toàn cầu.
Các cơ quan quản lý tài chính toàn cầu nhấn mạnh: "Điều cần thiết là đưa ra được chính sách toàn diện và biện pháp pháp lý để quản lý tài sản tiền điện tử, nhằm tránh gây ra những rủi ro đối với sự ổn định tài chính và kinh tế vĩ mô."
[Cục Dự trữ Liên bang Mỹ siết chặt quản lý tiền điện tử]
Báo cáo đưa ra các mốc thời gian cho các thành viên IMF và G20 để thực hiện các khuyến nghị gần đây nhằm quản lý tiền điện tử, trong đó có việc đánh thuế đối với người đầu tư tài sản tiền điện tử.
Động thái trên đánh dấu bước phát triển hơn nữa trong tư duy quản lý loại tài sản này, nhất là sau sự sụp đổ bất ngờ của sàn giao dịch tiền điện tử FTX hồi tháng 11 năm ngoái. Sự kiện này được ví như "cơn địa chấn" làm chao đảo thị trường tiền mã hóa và khiến nhà đầu tư lo lắng.
Hồi tháng 5, Liên minh châu Âu đã phê duyệt bộ quy tắc toàn diện đầu tiên trên thế giới để điều chỉnh các loại tiền điện tử. Trong khi đó, các nước khác trên thế giới vẫn chưa có được chính sách toàn diện như vậy để quản lý lĩnh vực hoạt động giao dịch này, với tình trạng gian lận và thao túng xảy ra "phổ biến"./.