Việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam điều chỉnh cùng lúc tăng tỷ giá thêm 1% và nới biên độ điều chỉnh tỷ giá lên +/-3% mới đây được đại diện các tổ chức nước ngoài nhận định là bước đi đúng hướng, chủ động của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nhằm chống đỡ các cú sốc từ bên ngoài.
Ông Jonathan Dunn, Trưởng đại diện IMF tại Việt nam, cho biết IMF hoan nghênh biện pháp điều chỉnh tỷ giá vừa qua của Ngân hàng Nhà nước. Việc mở rộng biên độ tỷ giá giúp tăng cường khoảng đệm chính sách để chống đỡ các cú sốc bên ngoài và giúp Việt Nam có thêm dư địa cho chính sách tiền tệ độc lập, qua đó giúp Chính phủ đạt được mục tiêu lớn hơn là duy trì ổn định lạm phát và kinh tế vĩ mô nói chung.
Việc tăng cường linh hoạt tỷ giá theo cả hai chiều cũng có ý nghĩa quan trọng để tạo điều kiện thuận lợi cho những thay đổi nền tảng của kinh tế Việt Nam như việc tham gia các hiệp định thương mại mới và các cải cách cơ cấu khác.
Khẳng định Ngân hàng Nhà nước Nam đã theo dõi và đánh giá chính xác diễn biến môi trường bên ngoài và đã có phản ứng nhanh chóng, bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia của WB tại Việt Nam, cũng nhìn nhận, biện pháp điều chỉnh tỷ giá vừa qua là bước đi đúng hướng, chủ động của Ngân hàng Nhà nước.
Điều đó cũng cho thấy sự linh hoạt hơn trong điều hành tỷ giá, cho phép các yếu tố thị trường có vai trò quan trọng hơn trong việc xác định tỷ giá thông qua việc mở rộng biên độ tỷ giá, đồng thời góp phần ổn định thị trường tài chính. Như vậy, Ngân hàng Nhà nước đã chuẩn bị cho cơ chế tỷ giá sẵn sàng ứng phó với các tình huống sắp tới theo hướng linh hoạt hơn.
Đại diện WB lưu ý, trong dài hạn Việt Nam cần tiếp tục theo đuổi là duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, xây dựng các khoảng đệm chính sách và củng cố nền tảng vĩ mô nhằm nâng cao hơn nữa khả năng chống đỡ và phục hồi của nền kinh tế trước các cú sốc từ bên ngoài.
Trong công tác hoạch định điều hành chính sách thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần tiếp tục theo dõi, đánh giá tác động của các điều chỉnh chính sách vừa qua đối với ổn định kinh tế vĩ mô, lòng tin của công chúng cũng như tiếp tục theo dõi các cú sốc từ bên ngoài khác có thể xảy ra. Ví dụ như diễn biến của đồng nhân dân tệ và chủ động có biện pháp ứng phó kịp thời theo như cách thức đang làm hiện nay là để cho các yếu tố thị trường đóng vai trò quan trọng hơn.
Cùng quan điểm này, Ông Nirukt Sapru, Tổng giám đốc Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam cũng cho rằng, về ngắn hạn ,điều này sẽ có lợi cho tính cạnh tranh về xuất khẩu. Tuy nhiên, về dài hạn, cần tiếp tục tập trung vào các yếu tố vĩ mô.
“Tính cạnh tranh của Việt Nam sẽ tiếp tục được duy trong dài hạn, các bạn có thể duy trì và cải thiện năng xuất lao động, đảm bảo rằng những hạn chế đối với xuất khẩu và đầu tư vào Việt Nam được tập trung cải thiện. Tôi đánh giá rất cao những tiến triển các bạn đã gặt hái được trong 2 năm vừa qua. Việc nới biên độ giao dịch mang đến dư địa để đối phó với những rủi ro trong tương lai. Fed có thể tăng lãi suất trong thời gian từ giờ đến cuối năm hoặc trong năm sau, điều đó có thể gây ra những bất ổn tại các thị trường đang nổi. Việc nới lỏng biên độ cho phép Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước quản lý đồng Việt Nam hiệu quả hơn. Đồng thời, Chính phủ cũng cần tiếp tục chú trọng vào ổn định nền kinh tế vĩ mô, trong đó có việc quản lý lãi suất và tỷ giá”, ông Nirukt Sapru nói.
Nhận định đây là bước đi kịp thời, bà Natalia Ansell, Tổng Giám đốc Citibank Việt Nam cũng cho rằng điều này đã mang lại ý nghĩa tích cực , phản ánh 3 vấn đề. Thứ nhất đó là tốc độ phản ứng, thứ hai là sự linh hoạt bởi vì mục tiêu đầu năm của Ngân hàng Nhà nước đảm bảo tỷ giá không biến động quá 2% nhưng biên độ đã được giãn tới 3%.
Trong một thế giới năng động như hiện nay, việc theo dõi các chuyển biến của thị trường thế giới và phản ứng kịp thời là rất quan trọng. Thứ ba, đó là sự tập trung phát triển và duy trì lợi thế cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam. Nền kinh tế Việt Nam chủ yếu tập trung vào xuất khẩu và hiện đang tăng trưởng tích cực.
Tổng Giám đốc Citibank Việt Nam cũng nhận định, nếu như nhìn vào các quốc gia và vùng lãnh thổ trong khu vực châu Á như Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan, Indonesia, Trung Quốc, Malaysia, có thể dễ nhận thấy các quốc gia và vùng lãnh thổ này đều đã phá giá nội tệ ở mức 3% chỉ riêng trong tháng vừa qua.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã làm rất tốt cũng như theo dõi các biến động một cách chặt chẽ để đảm bảo nền kinh tế Viêt Nam duy trì được mục tiêu tăng trưởng./.