Lực lượng chức năng Indonesia đang tăng cường nỗ lực tìm kiếm những người mất tích sau trận lũ quét và lở đất do mưa lớn gây ra từ ngày 31/12 vừa qua khiến hàng chục người thiệt mạng ở Jakarta và các khu vực lân cận.
Phóng viên TTXVN tại Indonesia dẫn thông báo mới nhất của Cơ quan quản lý thiên tai quốc gia Indonesia (BNPB) cho biết tính đến sáng 3/1, số nạn nhân thiệt mạng trong trận mưa lũ trên đã tăng lên 43 người.
Giám đốc Trung tâm dữ liệu thông tin và truyền thông thiên tai (Kapusdatinkom) của BNPB, ông Agus Wibowo cho rằng số nạn nhân thiệt mạng có thể tiếp tục tăng do hiện nay nhiều gia đình báo có người thân mất tích chưa được tìm thấy.
Ngay trong sáng 3/1, BNPB cung cấp danh sách người thiệt mạng tại các địa phương. Theo đó, địa phương có nhiều người thiệt mạng nhất là Bogor có 17 nạn nhân, tiếp đó là Jakarta (9 nạn nhân), Lebak Regency (8 nạn nhân)...
[Vỡ đê tại Indonesia, nước lũ dâng cao 4m khiến nhiều người thiệt mạng]
Khoảng 400.000 cư dân đã sơ tán đến những nơi tạm trú do mưa bão.
Chính quyền các địa phương vẫn đang tích cực tiến hành công tác tìm kiếm, cứu nạn sau mưa lũ.
Bên cạnh đó, Chính phủ Indonesia cũng huy động nhiều lực lượng tham gia giúp người dân khắc phục hậu quả thiên tai.
Hàng trăm máy bơm đã được sử dụng để hút nước khỏi các khu dân cư và cơ sở hạ tầng như đường ray tàu hỏa.
Trước đó, Cơ quan Đánh giá và Ứng dụng Công nghệ Indonesia (BPPT) thông báo ngày 3/1 sẽ bắt đầu ứng dụng công nghệ làm mưa nhân tạo, sử dụng hóa chất rải từ máy bay để tạo mưa, nhằm hướng mưa đến các khu vực thưa dân cư bên ngoài thủ đô, theo đó có thể "kéo” mưa sang eo biển Sunda hoặc tỉnh Lampung ở phía Tây Bắc Jakarta.
Trong trường hợp hướng gió thổi về phía Đông, sẽ hướng mưa tới hai hồ chứa lớn là Jatiluhur và Jatigede nằm ở phía Đông Nam Jakarta. Dự kiến, BNPB và quân đội Indonesia sẽ hỗ trợ BPPT triển khai hoạt động này bằng hai máy bay.
Thủ đô Jakarta của Indonesia thường bị ngập lụt trong mùa mưa bắt đầu từ cuối tháng 11 hằng năm.
Tuy nhiên, đợt mưa lũ trong tuần này là trận lụt nghiêm trọng nhất tại Jakarta kể từ năm 2013.
Giới chuyên gia cho rằng cơ sở hạ tầng yếu kém là một trong những nguyên nhân khiến tình trạng ngập úng tại thủ đô của Indonesia trở nên nghiêm trọng.
Năm ngoái, Chính phủ Indonesia đã công bố kế hoạch chuyển thủ đô từ Jakarta đến tỉnh Đông Kalimantan trên đảo Borneo./.