Ngày 12/12, Bộ trưởng Thương mại Indonesia Zulkifli Hasan cho biết chính phủ nước này sẽ dành 3-4 tháng cho nền tảng chia sẻ video TikTok và Sàn Thương mại Điện tử Tokopedia để thử nghiệm mô hình hợp tác.
Phát biểu họp báo nhân Ngày Mua sắm Trực tuyến Quốc gia 12/12, ông Hasan nói, hệ thống do TikTok và Tokopedia hợp tác triển khai là một loại hình công nghệ cao cần phải trải qua giai đoạn thử nghiệm và đánh giá. Nỗ lực hợp tác của hai bên nhằm giúp các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME) bán sản phẩm trên nền tảng điện tử. Ông kêu gọi cả hai nền tảng ưu tiên các sản phẩm địa phương trong thời gian thử nghiệm.
Ngoài ra, quyết định hợp tác của hai nền tảng này còn nhằm cải thiện quản trị thương mại điện tử, đặc biệt liên quan đến xuất nhập khẩu để bảo vệ các MSME ở Indonesia.
Ông Hasan nói rõ Indonesia đang xây dựng hệ sinh thái để thương mại điện tử có thể mang lại lợi ích cho người dân, các MSME và ngành công nghiệp trong nước.
Ông Hasan cho hay sự hỗ trợ của chính phủ đối với các MSME được thể hiện thông qua Quy định số 31/2023 của Bộ trưởng Thương mại trong đó cấm các giao dịch trên nền tảng truyền thông xã hội. Quy định này nhằm tạo ra một hệ sinh thái thương mại điện tử công bằng, lành mạnh và có lợi với việc quan tâm đến sự phát triển năng động của công nghệ.
Trước đó, ngày 11/12, ứng dụng chia sẻ video ngắn TikTok của Trung Quốc đã công bố khoản đầu tư 1,5 tỷ USD vào Tập đoàn Công nghệ GoTo của Indonesia theo một thỏa thuận cho phép TikTok khởi động lại cửa hàng trực tuyến ở “Xứ vạn đảo."
Theo thỏa thuận, TikTok Shop sẽ mua 75,01% cổ phần của Công ty PT Tokopedia thuộc Tập đoàn GoTo - nền tảng thương mại điện tử lớn nhất Indonesia, đưa hoạt động kinh doanh của TikTok Shop vào nền tảng Tokopedia mở rộng.
TikTok xin giấy phép kinh doanh thương mại điện tử ở Indonesia
Indonesia đã cấm các giao dịch thương mại điện tử trên mạng xã hội, được cho là đòn giáng mạnh vào TikTok, vốn đã cam kết đầu tư hàng tỷ USD vào Đông Nam Á, trong đó có Indonesia.
GoTo cho biết mối quan hệ đối tác chiến lược này sẽ "bắt đầu với giai đoạn thử nghiệm được thực hiện với sự tham vấn và giám sát chặt chẽ của các cơ quan quản lý hữu quan." Thỏa thuận dự kiến sẽ kết thúc vào năm 2024.
Hồi tháng 10/2023, TikTok Shop đã buộc phải ngừng hoạt động ở Indonesia - một trong những thị trường lớn nhất của công ty này, sau khi nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á này cấm hoạt động bán hàng trên mạng xã hội để bảo vệ hàng triệu doanh nghiệp nhỏ.
Các nền tảng thương mại trực tuyến như Tokopedia, Shopee và Lazada chiếm lĩnh thị trường thương mại điện tử Indonesia. Tuy nhiên, TikTok Shop đã giành được thị phần đáng kể kể từ khi ra mắt tại Indonesia năm 2021.
Với 125 triệu người dùng, Indonesia là thị trường lớn thứ 2 toàn cầu của TikTok, sau Mỹ./.