Truyền thông Australia ngày 19/8 đưa tin nhà chức trách Indonesia xác nhận đơn xin ân xá của kẻ đánh bom khủng bố ở Bali đang được xem xét nhưng chưa có gì đảm bảo tên này sẽ được trả tự do sớm trong bối cảnh Chính phủ Australia đang gây áp lực đòi Jakarta tiếp tục giam giữ đối tượng này.
Umar Patek, biệt danh "kẻ hủy diệt," thành viên cao cấp của tổ chức khủng bố ở Đông Nam Á Jemaah Islamiah, thú nhận đã trộn hóa chất để chế tạo bom dùng trong vụ đánh bom đẫm máu hộp đêm Sari và quán bar Paddy’s Irish tại Bali ngày 12/10/2002, khiến 202 người thiệt mạng. Y đã bị tuyên án 20 năm tù vào tháng 6/2012.
Trả lời nhật báo The Australian cùng ngày, người phát ngôn của Tổng giám đốc nhà tù Indonesia Rika Aprianti xác nhận Patek đã làm thủ tục xin ân xá.
[Số phận của những tên đánh bom khủng bố tại Bali]
Bà Aprianti cũng nêu rõ: “Tại thời điểm này, chúng tôi không thể nói khi nào quyết định ân xá được ban hành. Chúng tôi sẽ thông báo khi tiến trình xét duyệt hoàn tất và việc đơn xin ân xá có được chấp thuận hay không."
Cũng trong ngày 19/8, Thủ tướng Australia Anthony Albanese tuyên bố ông cảm thấy “ghê tởm" với Patek và việc tên này được thả sớm sẽ có ảnh hưởng “tàn khốc” đối với các gia đình đang chuẩn bị tưởng niệm 20 năm vụ tấn công khủng bố kinh hoàng ở Bali.
Ông Albanese nói: “Chúng tôi đã mất 88 người Australia trong cuộc tấn công khủng bố đó và đó là một cuộc tấn công man rợ. Không chỉ là 88. Hàng nghìn người bị ảnh hưởng bởi cuộc tấn công này."
Theo ông, Australia sẽ truyền đạt thông điệp “rất rõ ràng” tới Chính phủ Indonesia rằng không nên thả Patek.
Luật pháp Indonesia buộc các tù nhân chấp hành ít nhất hai phần ba bản án mới có đủ điều kiện được ân xá. Nhưng với các lần giảm án thường xuyên nhờ quá trình chấp hành án tốt, bao gồm cả 5 tháng được giảm vào tuần trước nhân kỷ niệm Ngày Độc lập của Indonesia, kẻ đánh bom Bali Patek đã đủ điều kiện để được trả tự do trong tháng này.
Trong khi đó, luật về các tội phạm đặc biệt của Indonesia, đặt ra yêu cầu chặt chẽ hơn cho việc thả trước thời hạn tội phạm bị kết án tội khủng bố, tham nhũng và buôn bán ma túy, chỉ được áp dụng từ tháng 11/2012 và không có hiệu lực hồi tố./.