Bộ trưởng Hợp tác xã và Doanh nghiệp vừa và nhỏ Indonesia Teten Masduki ngày 7/8 cho biết khuyến khích các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME) tối ưu hóa việc sử dụng công nghệ kỹ thuật số, bao gồm cả việc áp dụng các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.
Ông Teten Masduki nói: "Nỗ lực khuyến khích các doanh nghiệp MSME số hóa doanh nghiệp bằng cách áp dụng các giao dịch dựa trên ứng dụng và thanh toán không dùng tiền mặt có thể giúp họ mở rộng thị trường của mình."
[Điều gì khiến Indonesia có thể trở thành "thế lực kinh tế mới"?]
Ông cũng mời thêm nhiều công ty mới thành lập tham gia nỗ lực phát triển MSME trong nước.
Bộ trưởng Teten Masduki khẳng định rằng MSME đóng một vai trò quan trọng trong việc duy trì nền kinh tế của Indonesia, đặc biệt là trong thời kỳ đại dịch COVID-19. Đặc biệt nhấn mạnh tới các MSME ẩm thực, vì đây là lĩnh vực có tiềm năng lớn để giúp chính phủ thúc đẩy nền kinh tế quốc gia và khai thác thế mạnh của từng vùng miền.
Theo Bộ trưởng Masduki, thách thức chính trong nỗ lực phát triển MSME là tìm ra những cách thích hợp để các doanh nghiệp nhận thức tầm quan trọng của công nghệ kỹ thuật số, để có thể tối ưu hóa nhằm mở rộng khả năng tiếp cận thị trường.
Ông Teten Masduki lưu ý: "Trên thực tế, các MSME có cơ hội rất hứa hẹn để tiếp thị sản phẩm của mình ở vùng ngoại ô của các thành phố lớn cũng như các vùng khó khăn, biên giới và vùng xa xôi nhất. Họ nên khai thác tiềm năng (tiếp thị) ở các thành phố cấp hai."
Bằng cách áp dụng công nghệ kỹ thuật số, các công ty MSME có thể tăng hiệu quả chi phí, vì họ sẽ không cần phải có các cửa hàng thực tế để bán và tiếp thị sản phẩm của mình.
Cho đến nay chính phủ đã thành công trong việc số hóa hơn 21 triệu MSME. Tuy nhiên, chính phủ sẽ tiếp tục phấn đấu để đạt được mục tiêu chuyển đổi 30 triệu MSME thông qua chính sách khuyến khích tham gia thị trường kỹ thuật số vào năm 2024.
Ông Teten Masduki nói thêm chính phủ đang nỗ lực đẩy nhanh quá trình chuyển đổi kỹ thuật số để đảm bảo rằng các chủ thể MSME và công chúng nói chung sẽ có thể tối ưu hóa tiềm năng kinh tế kỹ thuật số của đất nước, dự kiến đạt 4.531 tỷ rupiah (gần 300 tỷ USD) vào năm 2030./.