Indonesia đề xuất làm trung gian hòa giải giữa Nga và Ukraine

Chuyên gia quan hệ quốc tế Đại học Padjadjaran, Teuku Rezasyah đánh giá Indonesia - trên cương vị Chủ tịch G20 - có nhiều yếu tố để trở thành trung gian hòa giải giữa Nga và Ukraine.
Indonesia đề xuất làm trung gian hòa giải giữa Nga và Ukraine ảnh 1Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov (thứ hai, trái) tới tham dự vòng đàm phán với Nga tại Gomel (Belarus), ngày 28/2/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Giới học giả Indonesia cho rằng trên cương vị Chủ tịch Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), chính phủ Indonesia có thể đóng vai trò trung gian hòa giải giữa Nga và Ukraine khi các cuộc đàm phán hòa bình giữa hai bên rơi vào bế tắc.

Chuyên gia quan hệ quốc tế, Đại học Padjadjaran, Teuku Rezasyah đánh giá Indonesia có nhiều yếu tố để trở thành trung gian hòa giải giữa Nga và Ukraine.

Thứ nhất, Indonesia là quốc gia có chính sách trung lập và ưu tiên đối thoại, tôn trọng luật pháp quốc tế. Thứ hai, Indonesia có độ tín nhiệm cao, đóng vai trò ngày càng tăng trong việc duy trì hòa bình thế giới. Thứ ba, cách giải quyết các cuộc khủng hoảng do Indonesia đề xuất từ trước đến nay thường được sự nhất trí cao của Phong trào Không Liên kết (NAM), Tổ chức hợp tác hồi giáo (OIC) và các nước ưa chuộng hòa bình.

Do đó, ông Teuku khẳng định Indonesia có nhiều cơ hội để trở thành nhà hòa giải cho cuộc xung đột Nga-Ukraine.

[Nga cảnh báo về việc cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine]

Nhà quan sát quốc tế đến từ Đại học Hồi giáo Syarif Hidayatullah, Achmad Ubaedilliah cho rằng Chủ tịch G20 có cơ hội và trách nhiệm lớn trong việc kêu gọi hòa bình. Chuyên gia Achmad khuyến nghị Chính phủ Indonesia chủ động đề xuất và tiếp cận hai bên tham chiến.

Mặt khác, Giáo sư Luật quốc tế, Đại học Indonesia (UI), Hikmahanto Juwana cho rằng Indonesia không được coi là địa điểm lý tưởng để tiến hành hòa đàm. Các cuộc đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine sẽ được ưu tiên tổ chức tại các nước châu Âu do khoảng cách địa điểm phù hợp với hai bên.

Trong khi đó, Indonesia có vị trí khá xa hai nước, cùng với các thủ tục phức tạp phát sinh nếu tổ chức đàm phán tại đây. Tuy nhiên, sau kết quả lần đàm phán thứ nhất tại Belarus giữa hai bên, Giáo sư Juwana cho rằng, tình hình có thể tiếp tục bế tắc.

Đó cũng có thể là cơ hội để Indonesia phát huy vai trò nước Chủ tịch G20 làm trung gian hòa bình thế giới nếu được hai nước liên quan chấp nhận./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.