Tình hình dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp ở khu vực Đông Nam Á khi Indonesia ngày 8/1 ghi nhận thêm 10.617 ca mắc, cao nhất kể từ khi dịch bùng phát, nâng tổng số bệnh nhân lên hơn 800.000 ca.
Quốc gia lớn nhất Đông Nam Á này cũng ghi nhận thêm 233 ca tử vong trong ngày do COVID-19, nâng tổng số trường hợp không qua khỏi lên 23.753 ca.
Cùng ngày, Bộ Y tế Philippines (DOH) cũng thông báo có 1.776 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc trên cả nước lên 483.852 ca. Số ca tử vong do COVID-19 cũng tăng thêm 8 ca lên 9.364 ca.
Hiện giới chức y tế Philippines đang theo dõi các biến thể của virus SARS-CoV-2 được ghi nhận tại một số nước. Ngoài biến thể được phát hiện ở Anh, Thứ trưởng Y tế Rosario Vergeire cho biết DOH đang theo dõi hai biến thể khác ở Nam Phi và Malaysia.
Trong khi đó, Thái Lan đang đối mặt với làn sóng dịch COVID-19 tồi tệ nhất với hơn 200 ca mắc mới được ghi nhận mỗi ngày, chủ yếu lây nhiễm trong cộng đồng. Trong số 205 ca mắc mới được ghi nhận vào ngày 8/1 có 189 ca lây nhiễm trong cộng đồng, 58 ca trong số này có liên quan tới các lao động nhập cư. Ngoài ra, 16 ca mắc là những người trở về từ nước ngoài.
Tới nay, Thái Lan đã ghi nhận 9.841 ca mắc, với 7.740 ca lây nhiễm trong cộng đồng và 2.101 ca nhập khẩu, trong khi số ca tử vong là 67 ca.
Trong bối cảnh số ca mắc mới tiếp tục tăng cao và các chủ doanh nghiệp áp đặt các biện pháp hạn chế mới, các lao động nhập cư tại Thái Lan đang phải chật vật tìm việc làm để có thể tồn tại.
Tại Samut Sakhon, một tỉnh phía Nam thủ đô Bangkok, nơi ổ dịch mới bùng phát tại một chợ hải sản hồi cuối năm ngoái, các tổ chức từ thiện địa phương cho biết nhiều lao động nhập cư, đặc biệt là những người làm việc trong ngành hải sản và dịch vụ, không thể đi làm hay tiếp cận hỗ trợ của chính phủ.
[Indonesia cấp phép sản xuất 100 triệu liều vắcxin ngừa COVID-19]
Theo thống kê của chính phủ, tỉnh Samut Sakhon có khoảng 260.000 lao động nhập cư hợp pháp, nhưng con số thực tế ước tính có thể lên tới hơn 400.000 người, bao gồm những lao động nhập cư trái phép.
Ba tổ chức từ thiện ở Samut Sakhon cho biết họ đã nhận được nhiều lời phàn nàn từ các lao động, những người được yêu cầu có chứng nhận y tế có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 để quay trở lại làm việc.
Mặc dù Chính phủ Thái Lan đã cam kết mọi đối tượng có triệu chứng mắc COVID-19 hay nghi mắc có thể được xét nghiệm và điều trị miễn phí, nhưng một số lao động nhập cư được xem là có nguy cơ thấp và bị từ chối xét nghiệm tại các bệnh viện nhà nước, cũng như không đủ điều kiện để xét nghiệm tại các bệnh viên tư nhân.
Ngoài ra, một số lao động nhập cư không muốn xét nghiệm do không có giấy phép, trong khi những người có kết quả dương tính từ chối điều trị vì không muốn nghỉ việc.
Tại Malaysia, phóng viên TTXVN tại Kuala Lumpur dẫn kết quả điều tra do Trung tâm Y tế công cộng Malaysia tiến hành cho biết 97% số người được hỏi mong muốn chính phủ thực hiện trở lại Lệnh Hạn chế di chuyển (MCO) để phòng chống dịch bệnh đang lây lan mạnh ở nước này.
Một số người dân còn kiến nghị chính phủ nên thực hiện MCO ít nhất trong 1-2 tháng để làm phẳng đường cong trên biểu đồ chống dịch.
Theo Trung tâm Y tế công cộng Malaysia, kết quả điều tra cho thấy đa số người dân tán thành việc chính phủ áp dụng MCO trở lại trong thời gian tới và họ đã chuẩn bị sẵn sàng cho điều này./