Ngày 20/5, ông Juda Agung - Trợ lý Thống đốc phụ trách vấn đề ổn định hệ thống tài chính và chính sách vĩ mô của Ngân hàng Trung ương Indonesia (BI) - cho biết một trong những kịch bản để cứu nền kinh tế Indonesia vẫn đang được tranh luận gay gắt, đó là chính sách "in thêm tiền."
Chính sách này được Quốc hội Indonesia đề xuất, theo đó Quốc hội yêu cầu BI in thêm 600.000 tỷ rupiah (hơn 40 tỷ USD) để giải cứu nền kinh tế Indonesia hiện đang rất khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
Tuy nhiên, ông Juda Agung cho rằng in tiền không chỉ đơn thuần là việc tiến hành in ấn tiền. Các chính sách duy trì thanh khoản mà BI đã thực hiện cho đến nay cũng là một hình thức in tiền, chẳng hạn như chính sách nới lỏng Dự trữ theo luật định (GWM).
[Indonesia hút ròng 4,1 tỷ USD vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài]
Chính sách này là một nỗ lực để bảo vệ nền kinh tế Indonesia khỏi những ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
"Việc in tiền không phải lúc nào cũng được hiểu là sản xuất ra tiền mặt. Thông qua chính sách nới lỏng yêu cầu dự trữ, BI đã gián tiếp in hoặc tạo ra tiền," ông Juda Agung nhấn mạnh.
Ngoài ra, việc bơm thanh khoản (nới lỏng định lượng) được cung cấp thông qua việc mua trái phiếu chính phủ (SBN) cũng là một hình thức in tiền. Đã có khoản tiền trị giá 386.000 tỷ Rupiah được bơm vào giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 4/2020.
Trên thực tế, BI một lần nữa đã bơm thêm thanh khoản 117.800 tỷ Rupiah vào tháng 5/2020, đưa tổng số tiền bơm lên tới 503.800 tỷ Rupiah. Đây là một hình thức in tiền được đặt trong dấu ngoặc kép.
Ông Juda Agung nhấn mạnh việc in tiền thật không phải là vấn đề dễ dàng, mà phải có các kịch bản và điểm chuẩn nghiêm ngặt được đáp ứng trước khi chính sách đó được thực hiện.
Hơn nữa, việc in tiền thật chỉ có thể được thực hiện nếu cộng đồng thực sự cần đến nó, trong khi tại thời điểm này không có tình huống khẩn cấp để thực hiện chính sách này./.