Indonesia sẽ thực hiện các biện pháp giảm tác động của sóng thần

Chính phủ Indonesia lập chương trình Expedition Destana, trong đó cử các đội huấn luyện đến các ngôi làng nằm dọc bờ biển phía Nam Java để dạy người dân về cách phòng chống và giảm nhẹ thiên tai.
Indonesia sẽ thực hiện các biện pháp giảm tác động của sóng thần ảnh 1Người dân chạy ra khỏi nhà khi xảy ra động đất tại tỉnh Bắc Maluku, Indonesia ngày 14/7 vừa qua. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Công chúng không nên quá lo lắng về mối đe dọa sóng thần dọc bờ biển phía Nam đảo Java nếu thực hiện đầy đủ các biện pháp để giảm thiểu tác động của thảm họa.

Đây là khuyến cáo của phát ngôn viên thuộc Cơ quan giảm nhẹ thiên tai quốc gia Indonesia (BNPB), ông Agus Wibowo về nguy cơ có thể xảy ra sóng thần.

Phóng viên TTXVN tại Jakarta dẫn thông báo của ông Agus Wibowo cho biết để tránh thiệt hại có thể xảy ra, thứ nhất, người dân có thể thực hiện nguyên tắc 20-20-20, nghĩa là một cơn rung chấn của trận động đất kéo dài 20 giây, hãy sơ tán càng sớm càng tốt vì sóng thần có thể đến sau 20 phút; trú ẩn tại một tòa nhà có chiều cao ít nhất 20m.

Thứ hai, gia cố lại các bức tường nhà nếu không còn chắc chắn và xây dựng các tòa nhà có thể chịu được các trận động đất.

[Indonesia: Hàng nghìn người sơ tán sau trận động đất cường độ 7,3]

Thứ ba, cần tải xuống ứng dụng InaRisk để có thể truy cập vào trang web của BNPB để biết thêm thông tin về cảnh báo các thảm họa thiên nhiên tiềm ẩn.

Chính phủ Indonesia cũng đã thành lập chương trình Expedition Destana, trong đó cử các đội huấn luyện đến các ngôi làng nằm dọc bờ biển phía nam Java để dạy người dân về cách phòng chống và giảm nhẹ thiên tai.

Người đứng đầu phụ trách thông tin động đất và cảnh báo sớm sóng thần thuộc Cơ quan khí tượng, khí hậu và địa vật lý (BMKG), ông Daryono giải thích rằng khu vực Nam Java dễ xảy ra động đất và sóng thần, do vùng hút chìm giữa các tầng đất Á-Âu và Ấn Độ-Australia, nên khu vực này phải chấp nhận thực tế nếu xảy ra động đất và sóng thần.

Mọi người dân sống ở khu vực này có thể đánh dấu các khu vực bãi biển an toàn và tăng cường phát triển năng lực của cộng đồng trong việc đối mặt với thảm họa.

Trước đó, ngày 17/7 vừa qua, chuyên gia về đánh giá và ứng dụng thuộc Cơ quan công nghệ (BPPT), ông Widjo Kongko cảnh báo bờ biển phía Nam Java, đặc biệt là thành phố Yogyakarta có thể trải qua một trận động đất mạnh 8,8 độ và sóng thần cao tới 20m chạy dọc theo bờ biển phía Nam Java đến phía Đông của đảo Sumba và phía nam eo biển Sunda./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục