Trước thực trạng cháy rừng vào mùa khô hàng năm gây ảnh hưởng tới sức khỏe cũng như tiềm năng phát triển du lịch của người dân Indonesia, chính quyền Tổng thống Joko Widodo đã không ngừng nỗ lực hành động nhằm ngăn chặn vấn nạn này.
Cuối năm ngoái, Tổng thống Jokowi đã ký đạo luật cấm ngành chăn nuôi sử dụng đất than bùn trên cả nước. Chính phủ Indonesia cũng áp dụng chương trình phát triển kinh tế dựa trên hoạt động trồng cây công nghiệp và hỗ trợ để đảm bảo ý thức của người dân trong bảo vệ và trồng rừng; thực hiện việc giao khoán diện tích đất rừng đến mỗi người dân đi đôi với định hướng chuỗi giá trị của các sản phẩm nông lâm nghiệp hướng tới sự phát triển bền vững hơn; xem xét việc cấp vốn để người lao động có điều kiện canh tác với năng suất cao hơn thay vì canh tác thô sơ thường dẫn tới việc đốt nương rẫy.
Cơ quan phục hồi đất bạc màu của Indonesia (BRG) cũng đã đẩy mạnh công tác hỗ trợ phòng chống cháy rừng ở cấp tỉnh và huyện.
Ở góc độ doanh nghiệp, ngân hàng HSBC hồi tháng 2 vừa qua đã ban hành chính sách "Không làm mất rừng, không sử dụng than bùn, không khai thác bừa bãi", trong đó gắn việc tài trợ cho các công ty dầu cọ với điều kiện nghiêm ngặt để ngăn chặn tình trạng đốt phá rừng. Cũng nhờ vậy mà các doanh nghiệp trong ngành nông lâm ngư nghiệp đã nỗ lực đáng kể để áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật thân thiện hơn với môi trường.
Trong khi Chính phủ Indonesia đang tích cực áp dụng kiểm tra, giám sát các hành động đốt phá rừng của các doanh nghiệp và người dân địa phương, thì các ngân hàng cùng các nhà đầu tư đã chủ động lồng ghép hoạt động xã hội, quản trị doanh nghiệp với bảo vệ môi trường, cũng như đưa ra các tiêu chuẩn phát triển bền vững, thân thiện môi trường làm điều kiện cho vay vốn sản xuất kinh doanh.
Chưa dừng lại tại đó, ngày càng có nhiều công ty trong ngành nông lâm nghiệp tập trung vào "khả năng truy tìm nguồn gốc" để có thể chứng minh được nguồn gốc sản phẩm, từ đó khuyến khích người nông dân sử dụng các biện pháp canh tác bền vững, thân thiện môi trường.
Các máy bay không người lái cũng được sử dụng nhiều hơn để lập bản đồ và giám sát việc sử dụng đất, góp phần tăng năng suất cây trồng, đặc biệt ở các vùng sâu vùng xa.
Bên cạnh đó là việc tận dụng các ứng dụng di động để thu thập dữ liệu giúp những người trồng trọt quy mô nhỏ có thể đưa ra những quyết định sáng suốt trong việc sử dụng hợp lý phân bón và thuốc trừ sâu./.