Chính phủ Indonesia thông báo tiết kiệm được ít nhất 200.000 tỷ rupiah (12,83 tỷ USD) từ ngân sách chưa sử dụng của năm nay để chi tiêu cho năm tới nhằm tăng cường hệ thống kho bạc song song với việc tiếp tục lộ trình củng cố tài chính trước những bất ổn toàn cầu được dự báo vào năm 2023.
Phát biểu tại một sự kiện do Văn phòng Bộ Điều phối Kinh tế tổ chức ngày 21/12, Bộ trưởng Tài chính Sri Mulyani Indrawati cho biết khoản tiền tiết kiệm nói trên đến từ nguồn thu vượt kế hoạch từ thuế và thu nhập ngoài thuế, một phần nhờ giá cả hàng hóa xuất khẩu tăng cao trong suốt năm 2022 này.
Theo cựu Giám đốc điều hành Ngân hàng Thế giới (WB) này, nguồn thu vượt kế hoạch sẽ thuộc ngân sách chưa sử dụng (SILPA) của năm nay và cao hơn tương đối so với mức 225.000 tỷ rupiah mà chính phủ đã huy động được thông qua chương trình chia sẻ gánh nặng với Ngân hàng trung ương Indonesia (BI).
Năm 2023, chính phủ Indonesia sẽ phải tiếp tục đảm bảo nguồn chi dù không có chương trình chia sẻ gánh nặng với BI, vốn kết thúc trong năm nay theo quy định của Luật chính sách tài chính nhà nước và ổn định hệ thống tài chính sửa đổi năm 2020 nhằm xử lý đại dịch COVID-19.
[Kinh tế Indonesia tăng trưởng vượt dự báo trong quý 3]
Theo bà Indrawati, chính phủ sẽ phải đối mặt với những thách thức trong năm tới trong bối cảnh Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có khả năng tăng lãi suất cơ bản trong quý 1, khiến chi phí vay mượn trở nên tốn kém hơn, đặc biệt là đối với các nền kinh tế mới nổi.
Bên cạnh đó, đà tăng giá cả hàng hóa sẽ lắng xuống, dẫn đến dự báo thu ngân sách nhà nước thấp hơn so với mức thực hiện trong năm 2022.
Chính phủ Indonesia đang có kế hoạch phát hành hơn 712.900 tỷ rupiah trái phiếu vào năm tới để tài trợ cho mục tiêu thâm hụt ngân sách 2,84% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), thấp hơn đáng kể so với mục tiêu sửa đổi của năm nay là 4,5% GDP.
Để tăng cường tài chính quốc gia, bà Indrawati cũng có kế hoạch chuyển các nguồn tài chính của chính phủ sang đi vay nhiều hơn, thông qua các thỏa thuận song phương hoặc đa phương vốn được cho là an toàn hơn trong bối cảnh thị trường biến động cao.
Bên cạnh đó, chính phủ Indonesia cũng sẽ dựa nhiều hơn vào các nhà đầu tư trong nước để hấp thụ trái phiếu chính phủ thay vì các nhà đầu tư nước ngoài./.