Bộ trưởng Kinh tế Indonesia Darmin Nasution cho biết ngày 29/9 chính phủ nước này đưa ra gói kích thích kinh tế thứ hai gồm nhiều biện pháp để thu hút nhà đầu tư, hỗ trợ đồng nội tệ rupiah và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Theo Bộ trưởng Nasution, các chính sách kích thích sẽ tập trung vào việc đẩy nhanh tiến độ và đơn giản hóa thủ tục xin cấp phép kinh doanh trong các khu công nghiệp. Cụ thể, thời gian cần thiết cho việc xin giấy phép kinh doanh tại các khu công nghiệp sẽ được rút ngắn từ tám ngày xuống còn ba giờ.
Ngoài ra, Bộ trưởng Tài chính Indonesia Bambang Brodjonegoro cũng cho biết gói kích thích kinh tế lần hai của chính phủ sẽ tập trung vào các doanh nghiệp xuất khẩu. Cụ thể là các doanh nghiệp xuất khẩu gửi USD kỳ hạn 1 tháng tại các ngân hàng trong nước sẽ được giảm thuế thu nhập từ lãi tiền gửi ngân hàng xuống còn 7,5% từ mức thuế 20%.
Ngoài ra, đối với các khoản tiền gửi ngân hàng bằng đồng USD kỳ hạn 1 năm mức thuế thu nhập sẽ là 0%.
Cũng theo, Trưởng ban điều phối đầu tư Indonesia, Franky Sibarany cho biết các doanh nghiệp đầu tư hơn 100 tỷ rupiah (hơn 6,8 tỷ USD) và sử dụng hơn 100 lao động sẽ không cần xin giấy phép môi trường và địa điểm nếu họ đầu tư vào khu công nghiệp.
Nền kinh tế Indonesia tăng trưởng với tốc độ thấp nhất trong 6 năm qua với tốc độ tăng trưởng quý Một-Hai/2015 lần lượt chỉ đạt 4,71% và 4,67%.
Trong một động thái liên quan diễn ra cùng ngày, trong một cuộc họp hẹp nội các tại Văn phòng Tổng thống ở Thủ đô Jakarta, Tổng thống Joko Widodo nhấn mạnh: "Chúng ta cần thực hiện một bước đột phá bởi vẫn còn rất nhiều trở ngại để đầu tư vào Indonesia. Bắt đầu từ thủ tục cấp giấy phép khá rườm rà và mất nhiều thời gian cần được điều chỉnh.”
Xét về mức độ thuận lợi trong việc khởi nghiệp của các doanh nghiệp, Indonesia hiện đứng thứ sáu trong khối ASEAN. Theo đó, các doanh nghiệp muốn có được giấy phép hoạt động tại Indonesia cần hoàn thành 10 thủ tục. Trong khi đó, tại hai nước láng giềng Singapore và Malaysia chỉ cần thông qua 3 thủ tục. Tổng thống Widodo phân tích, như vậy Indonesia cần loại bỏ 70% số thủ tục./.