Trang mạng modernplomacy, ngày 30/5 vừa qua, Tổng thống Vladimir Putin đã đệ trình Quốc hội một dự luật về việc đình chỉ Hiệp ước về loại bỏ tên lửa tầm trung và tầm ngắn (INF).
Với việc Washington không thể đáp ứng được các đề xuất của Moskva trong việc giải quyết những khác biệt liên quan đến hiệp ước, Nga đã buộc phải đáp trả thông báo ngày 1/2 của Tổng thống Donald Trump về việc Mỹ bắt đầu rút khỏi hiệp định từ năm 1987 này.
Cách cư xử vô trách nhiệm của Washington gây nguy hiểm như thế nào đối với sự ổn định chiến lược toàn cầu?
Trong suốt ba thập kỷ qua, hiệp ước INF đã phải đối mặt với áp lực lớn từ những thực tế đang thay đổi của bản chất chính trị, quân sự và công nghệ, trở thành thỏa thuận “dễ bị tổn thương nhất” trong lĩnh vực kiểm soát vũ khí hạt nhân.
Ví dụ, hiệp ước này khá mơ hồ về tình trạng máy bay chiến đấu không người lái của Mỹ, vốn có những đặc điểm giống với tên lửa hành trình trên mặt đất mà hiệp ước này cấm.
Các phương tiện phóng mục tiêu đạn đạo được sử dụng trong việc phát triển và thử nghiệm hệ thống phòng thủ tên lửa cũng tương tự như các tên lửa tầm ngắn và tầm trung.
Và cuối cùng, bệ phóng của hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ được triển khai từ năm 2015, có khả năng bắn tên lửa hành trình Tomahawk tầm trung.
Do đó, INF đã kiềm chế một cách hiệu quả các nỗ lực của Washington nhằm duy trì ưu thế vượt trội về chiến lược quân sự ở những khu vực trọng yếu trên thế giới.
[Hạ viện Nga chính thức phê chuẩn dự luật đình chỉ hiệp ước INF]
Vì thế, chính quyền Trump dường như nghĩ rằng đây là thời điểm thích hợp để họ rời khỏi INF, điều này gây ra sự mất ổn định chiến lược nghiêm trọng và sự bất ổn gia tăng cho các đối thủ chính của Mỹ (theo Chiến lược An ninh Quốc gia của Trump, những đối thủ đó là Nga và Trung Quốc), mà không tạo ra bất kỳ mối đe dọa chiến lược ngay lập tức nào đối với chính nước Mỹ.
Việc hủy bỏ INF cũng gây khó khăn cho việc làm sáng tỏ hệ thống ổn định chiến lược toàn cầu hiện có, với hiệp ước START-3 (hay còn gọi là START Mới, sẽ hết hạn vào năm 2021), vẫn là thỏa thuận song phương duy nhất hạn chế kho vũ khí tên lửa hạt nhân của hai nước.
Hiệp ước START-3 quan trọng ở chỗ nó được mở rộng mà không cần phải có sự đồng ý của quốc hội ở cả Nga và Mỹ, điều này đặc biệt quan trọng nếu xét trong bối cảnh sự thù hằn hiện nay giữa đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa trong Quốc hội Mỹ.
Bên cạnh đó, điều này có thể gây ra sự nghi ngờ về tương lai của Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) và Hiệp ước cấm thử vũ khí hạt nhân toàn diện (CTBT).
Với quy mô kho vũ khí hạt nhân khác nhau giữa Mỹ và Nga, việc chính thức rút khỏi INF là một minh chính rõ ràng cho việc Washington từ chối tham gia đối thoại về một vấn đề hạt nhân cụ thể.
Tuy nhiên, mọi vấn đề liên quan đến hạt nhân đều đan xen chặt chẽ với nhau, do đó nếu Mỹ rút khỏi INF dẫn đến chấm dứt, hoặc thậm chí là đình chỉ hiệp ước START-3, đây sẽ là sự kết thúc cơ chế ràng buộc về mặt pháp lý của các cuộc kiểm tra lẫn nhau được các bên nhất trí trước đó.
Điều này sẽ đưa cuộc đối thoại về giải giáp hạt nhân quay trở lại hàng thập kỷ trước và buộc các bên trở về vạch xuất phát và bắt đầu các cuộc đàm phán về hạn chế và cắt giảm vũ khí hạt nhân gần như từ đầu.
Về mặt địa chính trị, hành động của Washington đang làm thay đổi cục diện chiến lược ở Bán cầu Đông. Nếu Mỹ quyết định đưa các tên lửa tầm trung hoặc tầm ngắn trở lại châu Âu, điều này chắc chắn sẽ dẫn tới một sự gia tăng căng thẳng mới với Nga.
Washington đang bẻ cong các nỗ lực chính trị, ngoại giao và truyền thông để “đổ lỗi cho Nga về sự đổ vỡ của INF,” và đang tìm kiếm một nguồn liên kết mới cho NATO, cụ thể là buộc các đồng minh châu Âu của Mỹ phải chấp nhận luật chơi mới của Washington.
Những gì chúng ta thấy là nỗ lực phá hoại hệ thống ổn định chiến lược bằng các biện pháp kinh tế, miêu tả các biện pháp đáp trả của Nga đối với các đồng minh châu Âu là “những kế hoạch hiếu chiến,” mà đòi hỏi phải tăng cường phòng thủ buộc họ mua vũ khí đắt đỏ của Mỹ nhằm bảo vệ trước “mối đe dọa tưởng tượng từ Nga.”
Trong khi đó, việc Mỹ rút khỏi INF có thể làm xói mòn thêm niềm tin giữa Washington và các nước đồng minh NATO khác, gợi lại những ký ức khủng hoảng chính trị về việc triển khai tên lửa Pershing-2 vào cuối những năm 1970 và đầu những năm 1980, khi “kỷ luật” trong NATO vẫn mạnh mẽ.
Ngày nay, châu Âu sẽ phải lựa chọn giữa việc đảm bảo sự trung thành liên tục với Mỹ hay theo đuổi một chính sách phòng thủ định hướng châu Âu nhiều hơn.
Một số chuyên gia tin rằng lựa chọn vế thứ hai có thể làm sâu sắc thêm sự chia rẽ ở EU và thậm chí dẫn tới sụp đổ.
Về tác động của việc hủy bỏ INF có thể có đối với an ninh châu Âu, đây sẽ là một bản chất thực sự toàn diện khi chiến lược răn đe của NATO dựa vào tiềm năng hạt nhân chiến lược sẽ không bị tác động trực tiếp bởi việc kết thúc hiệp ước này.
Ẩn đằng sau quan điểm tiêu cực về START-3 của chính quyền Trump là một mối đe dọa lớn hơn đối với châu Âu bởi vì, theo các nhà phân tích phương Tây, những diễn biến tiêu cực xung quanh hiệp ước này sẽ làm tổn hại nghiêm trọng đến năng lực răn đe hạt nhân của NATO.
Trong khi thừa nhận rằng những sự kiện gần đây buộc châu Âu “phải thức dậy sau kỳ ngủ đông,” các chuyên gia tự hỏi Liên minh châu Âu ngày càng chia rẽ sẽ thực sự làm gì “trong tình hình nguy hiểm ngày càng tăng.”
Tác động của tất cả những điều này đối với châu Á sẽ còn bất ổn hơn khi Nhà trắng thường biện minh cho việc rút khỏi INF bằng các mối đe dọa từ Trung Quốc và Triều Tiên.
Tuy nhiên, hầu hết các chuyên gia coi việc loại bỏ hoàn toàn tiềm năng tên lửa hạt nhân của Bình Nhưỡng là “không thực tế” trong tương lai gần, đơn giản là vì vũ khí hạt nhân là đáng tin cậy nhất, nếu không muốn nói là vật bảo đảm duy trì hệ thống chính trị hiện nay ở Triều Tiên.
Vì thế, sớm hay muộn, “Mỹ sẽ trở lại một chính sách hoàn toàn mạnh mẽ đối với Triều Tiên”, kể cả bằng cách triển khai các tên lửa tầm trung trong khu vực.
Tuy nhiên, điều này sẽ gây ra một mối đe dọa an ninh nghiêm trọng đối với Trung Quốc, bởi vì những tên lửa này sẽ gây nguy hiểm cho “các trung tâm ra quyết định chính trị và quản lý quân sự của Trung Quốc, cũng như những có sở quân sự quan trọng nhất của Trung Quốc.”
Rõ ràng, không chắc chắn về khả năng đánh bại Trung Quốc trong cuộc cạnh tranh toàn cầu đang nổi lên, Washington giờ đây muốn lôi kéo Bắc Kinh vào cuộc chạy đua vũ trang tốn kém nhất - một cuộc chạy đua tên lửa hạt nhân.
Hơn nữa, việc hủy bỏ INF sẽ chỉ làm trầm trọng thêm vấn đề không phổ biến vũ khí hạt nhân ở châu Á.
Nhiều chuyên gia Mỹ tin rằng trong trường hợp có một cuộc chạy đua vũ trang - hiện giữa Mỹ và Trung Quốc, Bắc Kinh có thể, ít nhất trong thập kỷ tới, sẽ “vượt qua” Mỹ về số lượng tên lửa tầm trung và tầm ngắn được triển khai trên những vùng đất mới.
Với những căng thẳng hiện tại giữa hai nước, cơ hội cho họ tham gia vào một cuộc đối thoại có ý nghĩa về các vấn đề quân sự chiến lược dường như khá mong manh.
Với việc chính quyền Trump cố gắng từ chối các cam kết liên quan đến an ninh khu vực, việc tăng cường năng lực quân sự của hai cường quốc hàng đầu này có thể buộc các đồng minh châu Á của Washington, bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia, đưa ra quyết định độc lập về an ninh chiến lược.
Ấn Độ, và cũng có thể là Pakistan, sẽ phải đáp ứng với tiềm năng chiến lược ngày càng tăng của Trung Quốc, và trong kịch bản tồi tệ nhất, điều này có thể khởi động một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân ở châu Á./.