Ngày 8/1, tờ Inside Trade đã có bài viết với tiêu đề "Mỹ và Việt Nam đang hợp tác chặt chẽ để tránh các biện pháp áp thuế từ các cuộc điều tra 301."
Theo phóng viên TTXVN tại Washington, bài báo nhấn mạnh “hai bên đang phối hợp chặt chẽ nhằm giải quyết các vấn đề thương mại thông qua tham vấn và hợp tác. Gần đây, hai bên đã tổ chức các cuộc điện đàm ở cấp cao với kết quả tích cực. Việc áp thuế không phải là một lựa chọn tốt cho cả Việt Nam và Mỹ cũng như quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước.”
Inside Trade cũng đưa tin Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh cũng đã có điện đàm với Ngoại trưởng Mike Pompeo. Báo trích dẫn thông tin của Vietnamnews, tại điện đàm giữa Trưởng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) Robert Lighthizer và Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, USTR cho biết vẫn đang trong giai đoạn thu thập và phân tích thông tin và chưa đưa ra bất kỳ kết luận nào.
Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, cuộc điều tra 301 có thể tạo ra những hệ quả không mong muốn, làm tổn hại tới quan hệ song phương và tác động tiêu cực tới hàng nghìn các doanh nghiệp, hàng triệu việc làm và người tiêu dùng tại Việt Nam và Mỹ.
[Việt Nam và Hoa Kỳ hướng tới hài hòa cán cân thương mại]
Trước đó, ngày 7/1, hơn 150 doanh nghiệp (trong đó có công ty lớn như Tory Burch, ALDO, Columbia Sportwear, Converse, FILA, Everlane, New Balance, Nike, Puma, Samsung, Sony, LG...) và gần 50 hiệp hội (trong đó có các hiệp hội May mặc và giày dép, Liên minh Đồ nội thất gia đình Mỹ, Hiệp hội Phân phối và bán lẻ giày dép Mỹ, Hội đồng Thương mại quốc gia, Hiệp hội Công nghiệp ngoài trời...) đồng gửi thư tới Tổng thống Donald Trump đề nghị không áp thuế đối với Việt Nam, cho rằng các biện pháp thuế sẽ làm suy yếu năng lực cạnh tranh toàn cầu của Mỹ cũng như gây tổn hại cho doanh nghiệp và người tiêu dùng Mỹ trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vẫn còn tác động mạnh tới hoạt động kinh doanh.
Các doanh nghiệp khẳng định Việt Nam là một thị trường xuất khẩu lớn của Mỹ, tạo rất nhiều việc làm trong nhiều lĩnh vực dệt may, hóa học, gỗ cứng và sản phẩm nông nghiệp. Việt Nam cũng là nước cung cấp đầu vào quan trọng về nguyên liệu thô được các cơ sở sản xuất của Mỹ sử dụng.
Các doanh nghiệp lo ngại sẽ có hơn 50% lượng hàng hóa dệt may và giày dép và trên 75% mặt hàng phụ kiện nhập khẩu vào Mỹ sẽ bị chịu mức thuế từ 25-50% nếu chính quyền thực hiện áp thuế đối với Việt Nam.
Theo Ủy ban Thương mại quốc tế của Mỹ, giá trị hàng dệt may Mỹ xuất sang Việt Nam đã tăng 97 triệu USD trong giai đoạn 2015-2019, giá trị giày dép xuất khẩu tăng 170 triệu USD, hóa chất xuất khẩu của Mỹ cũng ghi nhận mức tăng hằng năm 62%, cụ thể tăng lên 824 triệu USD năm 2018 và lên hơn 1,1 tỷ USD trong 2019.
Đây cũng sẽ là những mặt hàng chịu tổn thất nếu Mỹ áp đặt thuế đối với Việt Nam./.