Bài 2:Hợp tác chặt chẽ, duy trì đà quan hệ song phương với Hoa Kỳ
Theo Phó giáo sư, Tiến sỹ Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cao cấp Học viện Tài chính, khi Hoa Kỳ đưa Việt Nam vào danh sách này sẽ có nhiều rủi ro như sự phân biệt đối xử trong việc áp thuế, cũng như định giá hàng hóa khi đưa vào thị trường Hoa Kỳ.
Đồng thời, Việt Nam tăng cường phối hợp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi đội lốt thương mại, đội lốt đầu tư để lợi dụng những ưu đãi từ hợp tác Việt Nam-Hoa Kỳ và các Hiệp định thương mại tự do khác cũng như hành vi trốn thuế...
Cần xem xét lại các tiêu chí đánh giá của Bộ Tài chính Mỹ
Liên quan đến ba tiêu chí mà Bộ Tài chính Mỹ đưa vào danh sách giám sát các nước thao túng tiền tệ, Tiến sỹ Trương Văn Phước, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, nguyên quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cho rằng, có nhiều điểm cần làm rõ.
Đối với việc Việt Nam xuất siêu sang Mỹ có nhiều lý do nhưng chủ yếu là do cấu trúc của cán cân thương mại Việt Nam. Suốt nhiều năm trước cũng vậy, hay từ đầu năm đến nay, những mặt hàng các doanh nghiệp xuất sang Mỹ là dệt may, giày da, thủy sản, kể cả linh kiện máy móc điện thoại… Đây những nhóm hàng hóa xuất phát từ nhân công giá rẻ - lợi thế của Việt Nam trong nhiều năm qua.
[Bài 1:Đánh giá mang tính chủ quan, không đa chiều]
Ông Phước phân tích, suốt mấy chục năm, nền kinh tế của Việt Nam sử dụng lao động rất nhiều. Tới các nhà máy may mặc, da giày…, phần lớn nguyên liệu sản xuất đều là nhập khẩu, trong đó có nhập từ Mỹ. Ví dụ một đôi giày của hãng Nike xuất sang Mỹ thì từ đế đến dây, da giày đều là nhập khẩu.
Tương tự, hàng may mặc Việt Nam chỉ đóng góp nhân công hoàn thiện sản phẩm nhưng khi xuất khẩu toàn bộ trị giá của sản phẩm tính cho Việt Nam. Tóm lại, xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu dựa vào lao động giá rẻ, không liên quan tỷ giá.
Về cán cân vãng lai - gồm cán cân thương mại và các khoản chuyển tiền từ nước ngoài về, nhất là kiều hối - theo ông Phước, năm nay Việt Nam xuất siêu hơn 20 tỷ USD, những năm trước chỉ 5-10 tỷ USD. Cán cân vãng lai của Việt Nam chủ yếu do nhận tiền kiều hối từ nước ngoài về.
“Đây là tiền mà người Việt Nam ở nước ngoài chuyển về trợ cấp cho thân nhân trong nước và tiền do người lao động Việt Nam ở nước ngoài chuyển về. Phải khẳng định kiều hối chuyển về là yếu tố khách quan, không phải do tỷ giá cao hay thấp,” ông Phước khẳng định.
Do đó, tỷ giá không phải là yếu tố làm cán cân vãng lai thặng dư vượt quá tiêu chí Hoa Kỳ quy định mức 2% GDP.
Còn về can thiệp thị trường ngoại hối, hoạt động mua ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước thời gian qua về mặt bản chất là quá trình chuyển đổi ngoại hối. Hiện nay pháp luật ngoại hối Việt Nam không cho phép dùng ngoại tệ làm phương tiện thanh toán trong nước.
Nhà đầu tư chuyển ngoại tệ vào Việt Nam kinh doanh thì phải chuyển đổi ra tiền đồng. Các nhà xuất khẩu hay nguồn tiền kiều hối chuyển về nước cũng phải đổi qua tiền đồng để sử dụng. Việc Ngân hàng Nhà nước mua vào ngoại tệ suy cho cùng là thực hiện chức năng chuyển hoá các đồng ngoại tệ để giúp người dân tại lãnh thổ Việt Nam có thể dùng tiền đồng, tức việc mua vào này là bắt buộc.
Khi cung cầu ngoại tệ thuận lợi, Ngân hàng Nhà nước mua vào, khi thị trường biến động, thị trường mất cân đối, Ngân hàng Nhà nước bán ra để ổn định kinh tế vĩ mô.
Một vấn đề nữa, phía Hoa Kỳ cho rằng Việt Nam đã mua ngoại hối để can thiệp nhằm định ra giá trị đồng tiền dưới giá trị thật. Về vấn đề này cần phải giải thích rõ hơn với Hoa Kỳ về mức ngang giá tiền tệ của tiền đồng Việt Nam so với đô la Mỹ.
Mức ngang giá tiền tệ phục thuộc chủ yếu vào mức chênh lệch lạm phát giữa Việt Nam với các đối tác thương mại chính, nhất là với Hoa Kỳ. Trên thực tế, trong suốt những năm gần đây, lạm phát bình quân của Việt Nam là 4%, có năm lên 5%.
Còn tỷ giá vẫn giữ mức tăng 1%-1,5%, có năm lên 2%, so với lạm phát thì rõ ràng tỷ giá vẫn tăng thấp hơn. Về phương diện tiền tệ thuần túy thì không có khái niệm phá giá, đặt ra tỷ giá thấp hơn giá trị mà thậm chí đồng Việt Nam còn trên giá trị thực.
"Đây là những yếu tố cho thấy Việt Nam không thao túng tiền tệ," Tiến sỹ Trương Văn Phước nói.
Ông Phước cũng nhấn mạnh, khi xét theo mấy tiêu chí mà Mỹ đặt ra và cho Việt Nam vi phạm rồi dán nhãn thao túng tiền tệ thì chúng ta phải đàm phán với phía Mỹ.
Điều hành tỷ giá của Việt Nam là nằm trong chính sách tiền tệ chung
Đầu tiên, phải khẳng định rằng Việt Nam không phải là một nước thao túng tiền tệ. Điều này được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chính chức trả lời vào ngày 17/12, một ngày sau khi Bộ Tài chính Mỹ công bố báo cáo “Chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn của Hoa Kỳ” trong đó nhận định Việt Nam, cùng với Thụy Sỹ, là đang thao túng tiền tệ.
Về vấn đề này, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẳng định việc điều hành tỷ giá những năm qua - trong khuôn khổ chính sách tiền tệ chung - nhằm thực hiện mục tiêu nhất quán là kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại quốc tế không công bằng.
Thặng dư thương mại song phương với Hoa Kỳ và thặng dư cán cân vãng lai là kết quả của hàng loạt các yếu tố; trong đó có các yếu tố liên quan tới các đặc thù của nền kinh tế Việt Nam.
Việc Ngân hàng Nhà nước mua ngoại tệ thời gian qua nhằm đảm bảo hoạt động thông suốt của thị trường ngoại tệ trong bối cảnh nguồn cung ngoại tệ dồi dào, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, đồng thời củng cố dự trữ ngoại hối Nhà nước vốn ở mức thấp so với các nước trong khu vực để tăng cường an ninh tài chính tiền tệ quốc gia.
Tiến sỹ Trương Văn Phước cũng tin rằng chính quyền Hoa Kỳ sẽ lắng nghe tiếng nói từ phía Việt Nam và những người hiểu biết lĩnh vực thương mại, tỷ giá hối đoái để thấy rằng Việt Nam không có chủ đích phá giá tiền tệ. Qua quá trình đối thoại, tranh luận, đặc biệt Việt Nam cũng được sự ủng hộ của chuyên gia kinh tế uy tín tại Hoa Kỳ, họ sẽ có cái nhìn chiều sâu hơn trong câu chuyện này.
Ngân hàng Nhà nước cũng đã lên tiếng sẽ tích cực phối hợp với các Bộ, ngành hữu quan để trao đổi, làm việc về các vấn đề mà Hoa Kỳ quan tâm trên tinh thần hợp tác, hai bên cùng có lợi, tiến tới quan hệ thương mại hài hoà, bền vững.
Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế một cách hợp lý, điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp với các cân đối vĩ mô, diễn biến thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ, không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại quốc tế không công bằng.
Phát biểu về chính sách điều hành tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, ông Tim Evans-Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam nhận định: "Trong năm nay Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã hỗ trợ hai chiều khi hạ tỷ giá bán đô la Mỹ trong tháng Ba để đáp ứng nhu cầu chính đáng khi thị trường ngoại hối chịu áp lực trong thời kỳ xã hội xa cách và giảm tỷ giá mua USD vào tháng 11 khi nguồn cung đô la Mỹ trên thị trường trở lại dồi dào.
Không giống như những năm trước khi tiền đồng thường mất giá so với đồng đô la Mỹ, năm 2020, tiền đồng thậm chí đã tăng giá nhẹ khoảng 0,2% so với đồng đô la Mỹ, trong khi thị trường ngoại hối gần như không có áp lực cuối năm.
Về bức tranh tỷ giá trong năm 2021, chúng ta có cơ sở để kỳ vọng tỷ giá tiếp tục được điều hành theo cơ chế linh hoạt. Đáng chú ý, với việc dự trữ ngoại hối cao kỷ lục, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có đủ công cụ và nguồn lực để điều hành tỷ giá theo hướng ổn định, đáp ứng cung-cầu thị trường. Tuy nhiên, vẫn có những thách thức cần quan sát và theo dõi như lộ trình phân phối vaccine cho COVID-19, đà hồi phục của chuỗi cung ứng toàn cầu, quá trình chuyển giao bầu cử Tổng thống Mỹ…
Trong bối cảnh tỷ giá biến động khó lường, các doanh nghiệp, đặc biệt với các doanh nghiệp có yếu tố xuất nhập khẩu, các doanh nghiệp có khoản vay nước ngoài bằng ngoại tệ, cần chủ động sử dụng các công cụ phòng ngừa rủi ro, đặc biệt thông qua các sản phẩm phái sinh tiền tệ như hợp đồng kỳ hạn, hợp đồng hoán đổi lãi suất… để đảm bảo sự chủ động trong hoạch định dòng tiền và cân đối lợi nhuận."
Duy trì đà quan hệ hợp tác chặt chẽ song phương giữa Việt Nam và Hoa Kỳ
Vừa rồi cách đây 1 tháng, Mỹ cũng mở diễn đàn để lắng nghe ý kiến của các chuyên gia và doanh nghiệp của Mỹ, của Việt Nam và một số nước khác. Đại đa số các ý kiến đều nhận định Việt Nam không thao túng tiền tệ.
Trong tuyên bố phát đi từ Phòng Thương mại Hoa Kỳ (Amcham) tại Hà Nội, cơ quan này khẳng định Hoa Kỳ và Việt Nam trong những năm qua đã phát triển được một mối quan hệ thương mại lành mạnh, qua đó đã tạo ra việc làm, nguồn thu thuế và cơ hội cho cả hai nước.
Ông Adam Sitkoff - Giám đốc điều hành AmCham nhấn mạnh: “Việc thao túng tiền tệ không phải là vấn đề đối với các thành viên của chúng tôi và bất kỳ hành động tiềm tàng nào trong những ngày cuối cùng của chính quyền hiện nay nhằm gây tổn hại cho nền kinh tế Việt Nam bằng các mức thuế trừng phạt sẽ làm tổn hại đến quan hệ đối tác chặt chẽ mà hai nước đã phát triển trong nhiều năm qua.”
Ông Adam Sitkoff nói thêm, thuế quan hoặc các biện pháp trả đũa khác có thể có tác động đến hoạt động của các công ty Mỹ đang kinh doanh tại Việt Nam.
Ông Adam Sitkoff cũng nhìn nhận, sự tăng trưởng gần đây trong xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ được thúc đẩy chủ yếu bởi việc dịch chuyển chuỗi cung ứng từ Trung Quốc sang Việt Nam. “Cộng đồng doanh nghiệp chúng tôi tin tưởng vào cách tiếp cận hợp tác và chúng tôi muốn chính phủ Hoa Kỳ ưu tiên các nỗ lực của mình đối với các vấn đề cấp bách hơn mà các thành viên của chúng tôi phải đối mặt. Đơn cử như các vấn đề về quyền sở hữu trí tuệ, thủ tục hải quan và thuế,” ông Sitkoff nói.
Giám đốc Điều hành AmCham cũng lưu ý rằng, bằng cách mở cửa thị trường cho nhiều hàng hóa và dịch vụ của Mỹ hơn, Việt Nam có thể giảm thặng dư thương mại với Mỹ theo hướng có lợi cho cả hai nước.
Các chuyên gia cũng cho rằng, Việt Nam đang nỗ lực xây dựng một môi trường đầu tư và kinh doanh ổn định, minh bạch, là điểm đến của nguồn nhân lực và dòng vốn quốc tế, hiển nhiên việc Việt Nam “phá giá đồng tiền” là một điều bất hợp lý. Do không nguồn vốn hay quyết định đầu tư khôn ngoan nào muốn lựa chọn một điểm đến đầy rủi ro khi đồng tiền bị chủ động phá giá.
Liên quan đến việc thông tin Bộ Tài chính Hoa Kỳ công bố báo cáo về chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn, trong đó nêu việc có 10 nước trên thế giới trong diện theo dõi về chính sách tiền tệ, riêng Thụy Sĩ và Việt Nam là những nước thao túng tiền tệ, tại buổi họp thường trực Chính phủ chiều 18/12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có những trao đổi nhấn mạnh: Trên thực tế, Thủ tướng, lãnh đạo Chính phủ Việt Nam đã có nhiều chỉ đạo trong suốt thời gian qua. Trên cơ sở đó, các bộ, cơ quan Việt Nam đã chủ động hợp tác với các đối tác Hoa Kỳ, đạt nhiều kết quả rất tích cực, nhất là về thương mại, đầu tư… và cùng xử lý những tồn tại, vướng mắc, duy trì quan hệ thương mại ổn định, hướng tới cán cân thương mại hài hòa, bền vững, cùng có lợi.
Về việc này, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã trả lời báo chí, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có thông tin báo chí, nêu rõ quan điểm điều hành chính sách tiền tệ của Việt Nam là nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, không nhằm hạ giá tiền tệ để tạo lợi thế thương mại.
Thủ tướng Chính phủ đã thống nhất giao nhiệm vụ cho các bộ, cơ quan tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các đối tác Hoa Kỳ để duy trì đà quan hệ hợp tác song phương phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân và doanh nghiệp hai nước./.