Ngày 2/10, tập đoàn Intel Corp của Mỹ thông báo đã giành được hợp đồng giai đoạn 2 trong dự án hỗ trợ quân đội Mỹ sản xuất chất bán dẫn tiên tiến trên lãnh thổ nước này.
Theo dự án này, Intel sẽ hỗ trợ quân đội Mỹ phát triển các nguyên mẫu chip sử dụng công nghệ đóng gói bán dẫn (semiconductor packaging technology) của tập đoàn này tại các nhà máy ở Arizona và Oregon.
Công nghệ đóng gói bán dẫn của Intel cho phép các mảnh chip, gọi là "chiplets," từ các nhà sản xuất khác nhau có thể kết hợp vào một gói, giúp tích hợp thêm nhiều tính năng vào một sản phẩm hoàn thiện với kích thước nhỏ gọn hơn đồng thời giúp giảm năng lượng tiêu thụ.
Trả lời phỏng vấn của hãng tin Reuters (Anh), Giám đốc điều hành của Intel Bob Swan cho biết Bộ Quốc phòng Mỹ rất muốn đảm bảo những thiết bị vi điện tử sử dụng cho mục đích đảm bảo an ninh quốc gia được sản xuất trong nước khi ngày càng nhiều hoạt động sản xuất chất bán dẫn được đưa ra nước ngoài.
[Tập đoàn Intel đạt doanh thu kỷ lục năm thứ tư liên tiếp]
Là một công ty có trụ sở tại Mỹ, Intel coi trọng việc tham gia hỗ trợ giải quyết một số quan ngại cơ bản của chính phủ nước này về tiếp cận những công nghệ thiết yếu trên.
Intel từ chối thông báo chi tiết giá trị hợp đồng mà công ty đảm trách. Dự án do Trung tâm Naval Surface Warfare, Crane Division giám sát. Intel cũng đã giành được một phần của giai đoạn một trong hợp đồng năm 2019.
Thông tin Intel tiếp tục hợp tác với Bộ Quốc phòng Mỹ được đưa ra trong bối cảnh các quan chức Mỹ tập trung thúc đẩy ngành sản xuất chất bán dẫn nội địa để đảm bảo sức cạnh tranh với các đối thủ từ Trung Quốc.
Khoảng 75% năng lực sản xuất chất bán dẫn của thế giới do các nhà sản xuất châu Á đảm trách, với các nhà máy tiên tiến nhất đặt tại Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc.
Trong nhóm 3 công ty có thể sản xuất chip máy tính tiên tiến nhất hiện nay chỉ có Intel là đại diện ngoài châu Á, còn lại là Taiwan Semiconductor Manufacturing Co Ltd (Trung Quốc) và Samsung Electronics Co Ltd (Hàn Quốc).
Theo nhà phân tích Dan Hutcheson, từ VLSI Research, Intel có lợi thế hơn so với 2 công ty còn lại khi có thể hoạt động tại Mỹ và có thời gian nghiên cứu về công nghệ bán dẫn lâu hơn.
Khi Mỹ và Trung Quốc gia tăng căng thẳng, Washington đã chặn một số công ty Trung Quốc, trong đó có tập đoàn viễn thông Huawei, cung cấp hàng hóa cho thị trường nước này.
Luật mới có hiệu lực từ 15/9 cấm tất cả các công ty Mỹ bán sản phẩm cho Huawei nhưng Intel vẫn được cấp phép cung cấp một số sản phẩm cho công ty Trung Quốc./.