Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) cảnh báo nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng có thể sử dụng hàng chục nghìn người dân tại thành phố Mosul của Iraq làm "lá chắn sống" nhằm bảo vệ thành trì cuối cùng của tổ chức cực đoan này.
Lời cảnh báo trên được đưa ra trong bối cảnh quân đội Iraq đang có bước tiến đáng kể trong chiến dịch giải phóng thành phố miền Bắc Iraq này khỏi IS.
Trong cuộc trao đổi qua điện thoại từ thủ đô Baghdad ngày 18/10, người đứng đầu phái bộ IOM tại Iraq Thomas Weiss nhấn mạnh nguy cơ người dân Iraq bị mắc kẹt tại Mosul có thể bị sử dụng như "công cụ quân sự" của IS trong khi lực lượng quân đội chính phủ và người Kurd tiến gần thành phố này.
Ông nhấn mạnh: "Hàng chục nghìn người có nguy cơ bị trục xuất bằng vũ lực, họ sẽ bị mắc kẹt trong sự bao vây giữa các bên tham chiến và thậm chí họ có nguy cơ bị sử dụng làm lá chắn sống."
Ông Weiss cũng không loại trừ IS có thể sử dụng vũ khí hóa học tại Mosul và trong trường hợp này tính mạng của trẻ em, người cao tuổi và những người khuyết tật sẽ bị đe dọa.
Ông lo ngại rằng tình hình tại Mosul có thể là viễn cảnh xấu nhất, là chiến dịch nhân đạo phức tạp nhất và lớn nhất trên thế giới vào năm 2017.
Các cơ quan hỗ trợ nhân đạo đã cảnh báo cuộc tổng tấn công của các lực lượng chính phủ Iraq nhằm giành lại thành phố Mosul từ IS tự xưng có thể gây ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng, với hàng trăm nghìn dân thường phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn.
Hiện tại, có khoảng 1,5 triệu người đang bị mắc kẹt tại Mosul. Trong bối cảnh này, Ủy ban Chữ thập Đỏ quốc tế (ICRC) đã kêu gọi các bên tham chiến, trong đó có nhóm IS, tại Mosul thể hiện sự nhân đạo đối với dân thường.
Giám đốc ICRC khu vực Trung Đông Robert Mardini cho hay cơ quan này đã lưu ý với các bên tham chiến, gồm quân đội chính phủ Iraq, lực lượng người Kurd và liên minh quốc tế chống IS do Mỹ dẫn đầu, về trách nhiệm quốc tế trong vấn đề nhân đạo, song vẫn chưa thiết lập kênh đối thoại IS liên quan đến vấn đề này.
Cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian nhận định cuộc chiến của liên minh quốc tế nhằm giành quyền kiểm soát Mosul từ IS có thể mất nhiều tháng và "sẽ không phải là cuộc chiến chớp nhoáng."
Trước đó, sáng 17/10, Thủ tướng đồng thời là Tổng Tư lệnh Các lực lượng vũ trang Iraq Haider al-Abadi chính thức phát động tổng tấn công nhằm giành lại kiểm soát thành phố Mosul ở miền Bắc từ IS.
Theo ông al-Abadi, lực lượng dẫn đầu chiến dịch giải phóng Mosul bao gồm quân đội và cảnh sát quốc gia. Nhiều tháng nay, quân đội Iraq cùng các đồng minh đã siết chặt vòng vây tại Mosul, thành phố lớn thứ hai và là thành trì chủ chốt của IS tại Iraq.
Nếu chiến dịch tái chiếm Mosul thành công, lực lượng chính phủ Iraq có thể thu hồi một nửa diện tích mà IS đã chiếm giữ ở miền Bắc nước này kể từ tháng 6/2014 đến nay./.