Ngày 5/12, Iran tuyên bố rằng bức thư của nhóm 3 nước châu Âu (gồm Anh, Pháp và Đức) gửi tới Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cáo buộc Tehran sở hữu tên lửa đạn đạo có khả năng mang đầu đạn hạt nhân, cho thấy "sự thiếu hiểu biết" của các nước này trong việc thực hiện những cam kết trong thỏa thuận hạt nhân đã ký với Iran năm 2015, còn gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA).
Trên trang mạng xã hội Twitter, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif viết: "Bức thứ mới nhất của nhóm 3 nước châu Âu trên gửi tới Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cáo buộc nhà nước Cộng hòa Hồi giáo sở hữu tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân là một 'sự giả dối tuyệt vọng' nhằm che đậy sự 'thiếu hiểu biết đến mức khốn khổ' của họ trong việc thực thi tối thiểu các nghĩa vụ đã cam kết của mình trong JCPOA."
Ông Javad kêu gọi Anh, Pháp, Đức không nên "cúi đầu" trước sự bắt nạt của Mỹ.
[Iran khẳng định không có kế hoạch rời bỏ thỏa thuận hạt nhân]
Hôm 4/12, đại sứ các nước Anh, Pháp và Đức, trong lá thư của mình đã kêu gọi Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres thông báo cho Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc rằng chương trình tên lửa của Iran là "không tuân thủ" nghị quyết của Liên hợp quốc. Bức thư được đưa ra vào đúng thời điểm bất đồng giữa Iran và phương Tây gia tăng liên quan đến việc Tehran giảm cam kết của mình trong JCPOA nhằm đáp lại quyết định của Washington rút khỏi thỏa thuận hạt nhân này hồi năm ngoái, đồng thời tái áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Iran, làm tê liệt nền kinh tế nước này.
Anh, Pháp và Đức từng tìm cách cứu vãn JCPOA, theo đó Iran phải đồng ý cắt giảm chương trình làm giàu urani. Tuy nhiên, gần đây Tehran đã chỉ trích 3 quốc gia châu Âu này đã không bảo vệ được nền kinh tế của quốc gia Hồi giáo này tránh được các biện pháp trừng phạt của Mỹ, quốc gia luôn coi chương trình tên lửa đạn đạo của Iran là mối đe dọa về an ninh tại Trung Đông.
Trong 7 tháng qua, Iran đã tiến hành một loạt bước đi giảm bớt các cam kết trong JCPOA nhằm đáp trả các động thái trên của Mỹ, cũng như phản ứng với sự chậm trễ của các quốc gia châu Âu trong việc tạo thuận lợi cho các giao dịch ngân hàng cùng hoạt động xuất khẩu dầu mỏ của Iran.
Gần đây Iran nối lại hoạt động làm giàu urani tại cơ sở Fordow ở miền Nam nước này, đồng thời đã bắt đầu làm giàu urani tại nhà máy Natanz ở miền Trung. Iran khẳng định có thể nhanh chóng hủy bỏ các biện pháp mà nước này thực hiện nếu các bên còn lại trong thỏa thuận tìm ra cách giúp Tehran tránh các biện pháp trừng phạt của Mỹ./.