Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) ngày 22/4 công bố báo cáo xác nhận Iran đã giảm số cụm máy ly tâm làm giàu urani tới độ tinh khiết 60% tại một nhà máy trên mặt đất ở cơ sở hạt nhân Natanz từ 2 xuống còn 1 cụm.
Báo cáo nêu rõ: “Ngày 21/4, IAEA xác rằng Iran đã thay đổi phương thức sản xuất UF6 được làm giàu tới mức 60% U-235 tại nhà máy PFEP.”
PFEP là Nhà máy Làm giàu nhiên liệu thí điểm trên mặt đất tại cơ sở hạt nhân Natanz. Theo IAEA, Iran hiện đang sử dụng một cụm máy ly tâm IR-6 để làm giàu urani tới mức 60%, trong khi phần urani nghèo do đã tách hết U-235 được đưa vào cụm máy IR-4 để làm giàu lên mức 20%. Cụm máy IR-4 trước đó được Iran sử dụng để làm giàu urani lên mức tinh khiết 60%.
Trước đó, Iran đã thông báo làm giàu urani lên mức 60%, một bước tăng mạnh từ mức 20% để hướng đến mức có thể tạo ra vũ khí hạt nhân, nhằm đáp trả một vụ nổ và sự cố mất điện tại nhà máy Natanz hồi tuần trước mà Iran cáo buộc Israel đứng đằng sau.
Động thái này của Iran đã làm phức tạp thêm cuộc đàm phán gián tiếp đang diễn ra với Mỹ tại Vienna (Áo) nhằm cứu vãn thỏa thuận hạt nhân Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA).
Năm 2018, cựu Tổng thống Donald Trump đã rút Mỹ khỏi thỏa thuận này dẫn tới việc Iran cũng không tuân thủ các cam kết của mình từ năm 2019.
[Iran và Pakistan ký MoU thành lập các chợ chung ở biên giới]
Báo cáo của IAEA không nêu rõ tại sao Iran thay đổi quan điểm và không cho biết có bao nhiêu máy ly tâm trong mỗi cụm máy nói trên. Báo cáo hồi tháng 2 của IAEA cho biết có 119 máy ly tâm trong cụm máy IR-4 và 133 máy trong cụm IR-6.
Natanz là một trong số những cơ sở hạt nhân của Iran nằm trong diện giám sát của IAEA theo quy định trong thỏa thuận hạt nhân năm 2015 giữ Tehran và các cường quốc thế giới.
Thỏa thuận JCPOA giữa Iran và nhóm P5+1 ký năm 2015 cho phép Iran làm giàu urani nưng chỉ tại một nhà máy dưới lòng đất ở cơ sở Natanz và chỉ với các máy IR-1 thế hệ đầu, vốn kém hiệu quả hơn, chỉ có thể làm giàu urani tới mức 3,67%.
Trong một diễn biến liên quan, cùng ngày, Bộ Ngoại giao Iran đã ra tuyên bố bênh vực phái đoàn đàm phán hạt nhân của nước này tại Vienna sau nhiều ngày hứng chịu làn sóng chỉ trích dâng cao từ trong nước.
Trước đó, hôm 21/2, kênh truyền hình Press TV đã phát sóng một chương trình có nội dung ám chỉ các nhà ngoại giao Iran bị Mỹ lừa và vì vậy sẽ sẵn sàng một lần nữa đưa ra nhượng bộ.
Phản ứng về việc này, tuyên bố của Bộ Ngoại giao Iran cáo buộc Press TV và kênh tiếng Anh của đài này “phát sóng hàng loạt nội dung giả tạo”, “xúc phạm và vu khống.”
Bộ trên nhấn mạnh hành động của Press TV “xúc phạm các nhà đàm phán và gây tổn hại cho những nỗ lực ngoại giao.”
Trước đó trong tuần, Thứ trưởng Ngoại giao Abbas Araghchi, trưởng đoàn đàm phát hạt nhân của Iran, cũng chỉ trích đài Press TV trích dẫn thông tin từ những nguồn không rõ danh tính về tiến trình đàm phán hạt nhân tại Vienna./.