Ngày 7/4, Tổng thống Iran Hassan Rouhani tuyên bố bình luận cực đoan của những người chỉ trích thỏa thuận hạt nhân của nước này với các cường quốc trên thế giới là nguy hiểm, đồng thời hối thúc việc tăng cường đối thoại và các biện pháp ngoại giao.
Trong bài phát biểu được phát sóng trực tiếp từ thủ đô Tehran, Tổng thống Rouhani nhấn mạnh thỏa thuận hạt nhân được thực thi vào tháng 1 vừa qua sau hơn hai năm đàm phán cho thấy lý lẽ và lập luận sẽ chiến thắng các mối đe dọa và sức mạnh.
Ông tin rằng lối suy nghĩ cực đoan khiến Iran không tin tưởng bất kỳ ai và gặp bất lợi mọi nơi. Điều này tạo ra mối nguy hiểm đối với bất kỳ xã hội nào, trong khi tư tưởng ôn hòa giúp Tehran đối thoại với thế giới, trong khi vẫn giữ được sự tự chủ.
Bên cạnh đó, Tổng thống Rouhani cũng cảnh báo các cơ hội kinh tế được mở ra nhờ thỏa thuận này sẽ không kéo dài mãi, đồng thời lên án những người chỉ nhìn thấy mối đe doạ từ thỏa thuận này.
Tuyên bố này đưa chỉ hai ngày sau khi chỉ huy Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran (IRGC), Tướng Mohammad Ali Jafari tuyên bố thỏa thuận hạt nhân không nên được xem là hình mẫu của việc nối lại tình hữu nghị.
Ông cho rằng đây là dấu hiệu của suy nghĩ thiển cận và những người Iran ủng hộ thỏa thuận làm hình mẫu cho việc hoà giải trong nước là vô tình đi theo con đường chống lại cách mạng và làm bẽ mặt người dân nước này.
Hồi tháng 7/2015, Iran và Nhóm P5+1 (gồm Nga, Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc và Đức) đã đạt được thỏa thuận lịch sử gọi là Kế hoạch Hành động toàn diện chung (JCPOA), theo đó Tehran cam kết cắt giảm các hoạt động hạt nhân như làm giàu uranium, đổi lại các cường quốc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Iran.
Trong một diễn biến khác, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry ngày 7/4 đã hối thúc Iran giúp đỡ chấm dứt các cuộc chiến tại Yemen và Syria, nơi Tehran và các nước Arab đối địch tại vùng Vịnh đang hậu thuẫn cho những phe phái có xung đột với nhau.
Phát biểu tại buổi họp báo ở Manama trước cuộc gặp với người đồng cấp Bahrain, Sheikh Khalid bin Ahmed al-Khalifa, ông Kerry kêu gọi Iran "giúp chấm dứt cuộc chiến tại Yemen và Syria thay vì làm gia tăng căng thẳng, đồng thời giúp đỡ thay đổi tình trạng đối đầu trong khu vực."
Theo ông, Iran nên chứng minh với thế giới này rằng nước này muốn trở thành thành viên có tính xây dựng của cộng đồng quốc tế và đóng góp vào hoà bình và ổn định.
Về phần mình, ông Al-Khalifa khẳng định Bahrain mong muốn Iran thay đổi chính sách đối ngoại của mình./.