Truyền thông Trung Đông ngày 12/3 đưa tin, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif thông báo trên trang mạng xã hội Twitter rằng Tehran đã đề nghị Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hỗ trợ một khoản cứu trợ khẩn cấp nhằm giúp nước này chống chọi với dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 vốn đang diễn ra rất nghiêm trọng ở nước này.
Trang mạng Arab News dẫn lời ông Zarif cho biết, Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva “đã tuyên bố rằng những nước bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 sẽ được hỗ trợ thông qua Công cụ tài chính phản ứng nhanh (RFI).”
Theo ông Zarif, Ngân hàng Trung ương Iran đã đề nghị được tiếp cận định chế này ngay lập tức.
Trong khi đó, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Iran Abdolnaser Hemmati đã viết trên tài khoản cá nhân ở trang Instagram rằng, trong bức thư gửi tới người đứng đầu IMF, ông đã đề nghị khoản tín dụng trị giá 5 tỷ USD từ RFI nhằm giúp Iran chống dịch COVID-19.
Theo các chuyên gia trong khu vực, nền kinh tế Iran đang ngày càng trở nên kiệt quệ do những tác động tiêu cực của các lệnh trừng phạt từ Washington và tiếp đó là sự bùng phát của dịch COVID-19.
Nền kinh tế Iran hiện đứng trước nguy cơ sụp đổ nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài và không được cứu trợ kịp thời.
Còn theo Bộ trưởng Tài chính Philippines Carlos Dominguez, chính phủ nước này đang lên kế hoạch vay thêm nguồn vốn từ các thị trường trong và ngoài nước nhằm bù đắp cho khoản thâm hụt ngân sách lớn hơn trong năm nay, do ảnh hưởng của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
[COVID-19: Tổng thống Philippines tuyên bố tình trạng y tế khẩn cấp]
Bộ trưởng Dominguez cho hay thâm hụt ngân sách của Philippines trong năm nay có thể lên tới 3,6% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), thay vì 3,2% GDP được đề ra trước đó nếu dịch COVID-19 tiếp diễn đến giữa năm nay.
Cụ thể, đối với năm 2020, Chính phủ Philippines có kế hoạch tăng mức đi vay lên 1.400 tỷ peso (khoảng 27,46 tỷ USD), cao hơn 17,6% so với năm 2019.
Các khoản vay bổ sung này sẽ được cơ cấu với tỷ lệ khoảng 75% từ các nguồn trong nước, 25% còn lại từ các nguồn nước ngoài.
Tổng các khoản vay thương mại từ các chủ nợ nước ngoài thông qua hình thức phát hành trái phiếu bằng đồng USD, đồng euro, đồng yen, đồng nhân dân tệ dự kiến sẽ vào khoảng 3,5 tỷ USD.
Trong khi đó, các khoản vay theo kế hoạch, vay dự án và nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) sẽ vào khoảng 3 tỷ USD.
Trước đó, ngày 10/3 vừa qua, ông Domingez cho biết tổng thu ngân sách của chính phủ có thể giảm 91 tỷ peso (khoảng 1,785 tỷ USD) nếu dịch COVID-19 kéo dài đến giữa năm 2020.
Theo ông, việc nâng mức thâm hụt ngân sách là cần thiết vì Chính phủ Philippines không có kế hoạch cắt giảm các khoản chi tiêu, đặc biệt là đối với các dự án cơ sở hạ tầng lớn./.