Ngày 8/12, Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã trình dự thảo ngân sách nhà nước lên Quốc hội, đồng thời chỉ rõ ngân sách này được soạn thảo để đối phó với các biện pháp trừng phạt của Mỹ bằng cách hạn chế phụ thuộc vào xuất khẩu dầu mỏ - lĩnh vực mà Washington nhắm vào.
Đài truyền hình quốc gia dẫn phát biểu của Tổng thống Rouhani tại Quốc hội nhấn mạnh: "Đây là ngân sách chống các biện pháp trừng phạt... với việc giảm lệ thuộc vào dầu mỏ ít nhất có thể."
Dự thảo ngân sách năm tài khóa tới, bắt đầu từ 20/3/2020, ước tính khoảng 4.845 tỷ rial – tương đương 38,8 tỷ USD theo tỷ giá thị trường tự do.
Trong bài phát biểu, ông Rouhani cũng tuyên bố tăng 15% tiền lương của khu vực công trong bối cảnh nền kinh tế Iran đối mặt với nhiều khó khăn do các lệnh trừng phạt của Mỹ.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo nền kinh tế Iran sẽ giảm 9,5% trong năm nay.
[Triển vọng mờ mịt trong nỗ lực cứu vãn thỏa thuận hạt nhân Iran]
Tổng thống Mỹ Donald Trump bắt đầu tái áp đặt các biện pháp trừng phạt lên việc xuất khẩu dầu mỏ của Iran kể từ tháng 5/2018 sau khi đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân năm 2015, còn gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), làm tê liệt nền kinh tế nước này.
Dầu mỏ là nguồn sống của nền kinh tế Iran và chiếm đến 1/4 GDP đất nước, đóng góp 3/4 thu nhập công của Iran.
Khi lượng dầu mỏ xuất khẩu giảm từ 2,45 triệu thùng/ngày xuống còn 0,26 triệu thùng/ngày, nền kinh tế Iran đã rơi vào suy thoái trầm trọng.
Xu hướng giảm tốc của nền kinh tế còn gia tăng áp lực lên thị trường lao động và đi ngược lại các mục tiêu tạo công ăn việc làm.
Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới (WB), tỷ lệ thất nghiệp ở Iran đã lên mức hơn 12% trong giai đoạn tháng 4-6/2018, trong đó tỷ lệ giới trẻ thất nghiệp là hơn 28% vào tháng 6/2018.
Có lý do để dự đoán rằng tỷ lệ này sẽ còn tăng cao sau khi các lệnh trừng phạt kinh tế được tái áp đặt vào tháng 5/2018, điều gây ra tác động tiêu cực lên nền kinh tế Iran./.