Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, Iran đang kêu gọi triệu tập cuộc họp các bộ trưởng ngoại giao Nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc cùng với Đức) nhằm giải quyết chính sách của Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đối với thỏa thuận hạt nhân lịch sử, bên lề hội nghị cấp cao của Đại hội đồng Liên hợp quốc dự kiến diễn ra từ ngày 12-25/9 tại New York.
Phát biểu trước báo báo giới tại thủ đô Tehran ngày 27/8, ông Ali Akbar Salehi, người đứng đầu Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Iran cho biết, Ngoại trưởng nước này Mohammad Javad Zarif sẽ thúc đẩy một cuộc họp các bộ trưởng ngoại giao giữa Iran và Nhóm P5+1.
Ông đưa ra tuyên bố này dựa trên các bức thư gần đây của Ngoại trưởng Iran gửi tới Tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) và Cao ủy phụ trách chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), trong đó cho biết Bộ Ngoại giao Iran đang có các hành động đáp trả lại những "động thái quấy rối của người Mỹ."
[Iran cáo buộc Mỹ vi phạm thỏa thuận hạt nhân vì gây sức ép với IAEA]
Trước đó, ngày 23/8, Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc, bà Nikki Haley đã có cuộc gặp với các quan chức IAEA tại Vienna (Áo) mà bà miêu tả là "sứ mệnh tìm hiểu thực tế," như một phần trong chính sách của Tổng thống Donald Trump nhằm xem xét lại thỏa thuận hạt nhân mà Iran đạt được với các cường quốc thế giới hồi tháng 7/2015.
Sau khi trở về từ Vienna, bà Haley cho biết đã hối thúc IAEA tìm cách tiếp cận các cơ sở quân sự của Iran. Mỹ được cho là đang đẩy mạnh việc tiếp cận thông tin mà Iran không muốn Washington có được.
Bà Haley nói thêm: "Chúng tôi đang khuyến khích IAEA sử dụng tất cả thẩm quyền của mình cũng như theo đuổi mọi góc độ có thể."
Trong khi đó, tờ Washington Post số ra ngày 23/8 cho biết Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif nhấn mạnh với Tổng giám đốc IAEA Yukiya Amano rằng chuyến thăm Vienna của bà Haley có chủ ý gây hoài nghi về thỏa thuận hạt nhân mang tên Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA).
Ông Zarif nêu rõ các báo cáo của IAEA đã cho thấy Iran tuân thủ đầy đủ các cam kết trong thỏa thuận hạt nhân. Thỏa thuận này cùng với một nghị quyết của Liên hợp quốc chỉ đề cập chương trình hạt nhân của Iran, trong khi Mỹ lại đang cố nhắm đến chương trình tên lửa của Tehran.
Tháng 4/2017, Tổng thống Donald Trump đã ra lệnh xem xét liệu việc bãi bỏ các lệnh trừng phạt đối với Iran liên quan đến thỏa thuận hạt nhân, được đàm phán dưới thời Tổng thống Barack Obama, có phù hợp với lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ hay không.
Bộ Tài chính Mỹ ngày 28/7 đã áp đặt các lệnh trừng phạt mới nhằm vào 6 công ty vệ tinh của Iran, sau khi quốc gia Trung Đông này phóng thành công tên lửa đưa vệ tinh vào không gian một ngày trước đó.
Phản ứng trước các lệnh trừng phạt mới của Mỹ, Tổng thống Iran Hassan Rouhani ngày 15/8 tuyên bố Iran có thể sẽ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân trong vài giờ nếu các lệnh trừng phạt được áp dụng trở lại chống Tehran. Vài ngày sau, ông Salehi cho biết Iran có thể nối lại hoạt động làm giàu urani đạt mức tinh khiết 20% trong vòng 5 ngày tại nhà máy Fordow nếu cần thiết.
Ngoại trưởng Iran Zarif cũng phản ứng lại trước sức ép ngày càng tăng từ Mỹ, cho rằng bất cứ động thái nào của Washington nhằm gây áp lực lên IAEA đều vi phạm thỏa thuận hạt nhân cũng như sự độc lập của tổ chức này.
Trong một diễn biến liên quan, Thiếu tướng Hassan Firouzabadi, cố vấn quân sự cấp cao của nhà lãnh đạo tối cao Iran, ngày 27/8 tuyên bố rằng việc thanh tra các cơ sở quân sự của nước này dưới cái cớ thỏa thuận hạt nhân quốc tế là "không thể."
Theo ông Firouzabadi, thỏa thuận hạt nhân được ký kết giữa Iran và Nhóm P5+1 không cho phép thanh, kiểm tra các cơ sở quân sự của Iran. Ông chỉ trích các phát biểu của Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Nikki Haley trong chuyến thăm của bà tới trụ sở của IAEA ở Vienna, coi đây là âm mưu của Washington nhằm phá hoại thỏa thuận hạt nhân./.