Iran "khiêu khích nghiêm trọng," phương Tây "quan ngại sâu sắc"

Tuyên bố của Iran về việc nước này sẽ nối lại hoạt động làm giàu tại nhà máy Fordow từ nửa đêm 6/11 đã làm dấy lên một loạt quan ngại từ các nước còn lại trong thỏa thuận hạt nhân năm 2015.
Iran "khiêu khích nghiêm trọng," phương Tây "quan ngại sâu sắc" ảnh 1Ảnh do Tổ chức năng lượng nguyên tử Iran cung cấp: Bên trong cơ sở làm giàu urani Fordow ở Qom, miền Bắc Iran ngày 6/11/2019. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo AFP/Reuters, ngày 7/11, Iran đã nối lại hoạt động làm giàu urani tại nhà máy ngầm Fordow phía Nam của Tehran. Động thái này được coi là bước lùi khỏi các cam kết trong thỏa thuận hạt nhân năm 2015 và khiến các cường quốc phương Tây lo ngại.

Tổ chức Năng lượng Nguyên tử Iran cho biết các kỹ sư đã bắt đầu bơm khí urani hexafluoride vào các máy ly tâm làm giàu bị ngừng hoạt động từ lâu tại nhà máy này “trong những phút đầu tiên của ngày 7/11.”

Việc đình chỉ hoạt động làm giàu urani tại nhà máy bí ẩn này là một trong nhưng hạn chế mà Iran đã đồng ý để đổi lấy việc gỡ bỏ trừng phạt.

Tuyên bố của Iran về việc nước này sẽ nối lại hoạt động làm giàu tại nhà máy Fordow từ nửa đêm (20 giờ 30 - giờ GMT ngày 6/11) đã làm dấy lên một loạt quan ngại từ các nước còn lại trong thỏa thuận hạt nhân 2015.

Anh, Trung Quốc, Pháp, Đức và Nga đã cố gắng cứu vãn thỏa thuận vốn rất khó có thể đạt được này kể từ khi Washington rút lui hồi tháng 5/2018 và tái áp đặt các lệnh trừng phạt đơn phương.

Các nước này nói rằng việc Iran dần dần từ bỏ các nghĩa vụ của họ trong thỏa thuận kể từ tháng 5/2019 khiến việc đó trở nên khó khăn hơn.

Việc nối lại hoạt động làm giàu tại Fordow là bước đi thứ 4 của Iran trong tiến trình quay lưng lại với thỏa thuận. Mỹ kêu gọi tiến hành các “biện pháp nghiêm túc” để đáp trả lại động thái này.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói: “Việc Iran tăng cường các hoạt động nhạy cảm về phát triển hạt nhân đã làm gia tăng lo ngại rằng Iran đang xác định lựa chọn phát triển hạt nhân nhanh chóng. Đã đến lúc tất cả các quốc gia phải ngăn chặn chế độ Iran 'đe dọa hạt nhân' và thực hiện các bước cứng rắn để gia tăng sức ép.”

Iran vẫn luôn phủ nhận việc chương trình hạt nhân của nước này có liên quan đến mục đích quân sự. Tehran luôn nhấn mạnh rằng tất cả các biện pháp mà họ tiến hành đều minh bạch và có thể nhanh chóng thay đổi nếu các bên còn lại trong thỏa thuận tìm ra cách thức giúp tránh khỏi các lệnh trừng phạt của Mỹ.

Tổ chức hạt nhân Iran nói: “Tất cả các hoạt động này đều được tiến hành dưới sự giám sát của Tổ chức Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA).”

Việc nối lại hoạt động làm giàu tại Fordow diễn ra sau khi thời hạn chót mà Tehran đặt ra cho các bên còn lại tham gia thỏa thuận hạt nhân phải tìm ra một cơ chế để cho phép các công ty nước ngoài tiếp tục làm việc với Iran mà không chịu sự trừng phạt của Mỹ hết hạn.

[Iran cảnh báo thỏa thuận hạt nhân có thể bị hủy bỏ trước bầu cử Mỹ]

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov bày tỏ quan ngại về các tuyên bố của Tehran nhưng nói rằng các cường quốc châu Âu cũng nên thực hiện vai trò của mình. Phát biểu với các phóng viên tại Moskva, ông nói: “Họ đang đòi hỏi Iran thực thi tất cả nghĩa vụ mà không có ngoại lệ nào khác nhưng lại không đáp lại cho họ thứ gì.”

Điện Kremlin trước đó đã gọi các lệnh trừng phạt với Iran là “chưa từng có tiền lệ và bất hợp pháp.”

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết Iran đã đưa ra các quyết định “nghiêm trọng" và việc nối lại hoạt động làm giàu là “sự thay đổi sâu sắc” khỏi quan điểm trước đây của Tehran.

Ông Macron nói: “Mọi thứ chỉ có thể trở lại bình thường nếu Mỹ và Iran đồng ý nối lại hoạt động xây dựng lòng tin.” Ông cho biết thêm rằng ông sẽ thảo luận vấn đề này với Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Cũng trong ngày 7/11, Tehran cho biết họ đã hủy việc chính thức thức công nhận một thanh sát viên hạt nhân IAEA vào tuần trước sau khi bà này làm chuông báo động reo tại cổng vào nhà máy làm giàu urani Natanz, điều làm dấy lên nghi ngờ rằng bà đang mang theo “một vật phẩm đáng ngờ.”

Tehran không cho biết vật phẩm đó là gì hay họ đã tìm thấy gì mà thanh sát viên này mang theo.

Đại diện của Iran tại IAEA nói với các phóng viên rằng thanh sát viên này bị chặn lại bởi các máy dò đã phát hiện “các dấu vết của chất nổ,” song sau đó không phát hiện ra vật dụng khả nghi nào sau khi bà vào WC, điều làm dấy lên các cuộc điều tra khác.

Sau cuộc họp đặc biệt về Iran được tổ chức tại trụ sở IAEA ở Vienna, EU cho biết trong một thông báo rằng họ “quan ngại sâu sắc” về những gì đã diễn ra nhưng hiểu được rằng “vụ việc đã được giải quyết.”

Nhấn mạnh lại “sự tin tưởng hoàn toàn của EU vào sự chuyên nghiệp và tính công tâm của đoàn thanh tra,” tuyên bố của EU kêu gọi “Iran đảm bảo rằng các thanh sát viên có thể thực thi nhiệm vụ theo đúng thỏa thuận bảo vệ an toàn mang tính ràng buộc pháp lý.”

Trong khi đó, IAEA phàn nàn rằng thanh sát viên này bị cấm rời khỏi Iran tuần trước. Cornel Feruta, Quyền Giám đốc IAEA, nói: “Việc ngăn cấm thanh sát viên rời khỏi một quốc gia, đặc biệt khi họ được chỉ định bởi IAEA, là điều không thể chấp nhận được và không nên diễn ra.”

Các cường quốc phương Tây cũng kịch liệt lên án Iran vì ngăn chặn thanh sát viên này rời khởi Iran. Đại diện của Mỹ tại IAEA nói rằng việc giam giữ thanh sát viên này là “hành vi khiêu khích nghiêm trọng” của Iran./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Người dân sơ tán tránh xung đột tại Gaza ngày 22/10/2024. (Ảnh: THX/TTXVN)

Mỹ hối thúc Israel chuyển hướng chiến lược tại Gaza

Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh Israel đã đạt được phần lớn mục tiêu chiến lược liên quan tới Gaza kể từ sau ngày 7/10 năm ngoái và đây là thời điểm để biến điều đó thành quả lâu dài và chiến lược.