Iran: Mỹ không thể gây ảnh hưởng với Tehran thông qua lệnh trừng phạt

Thống đốc Ngân hàng trung ương Iran Hemmati khẳng định rằng nếu các lệnh trừng phạt của Mỹ có tác dụng, tình hình kinh tế của Iran đã không được như hiện tại.
Iran: Mỹ không thể gây ảnh hưởng với Tehran thông qua lệnh trừng phạt ảnh 1Đồng rial của Iran. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Hãng thông tấn nhà nước IRNA đưa tin Thống đốc Ngân hàng trung ương Iran Abdolnaser Hemmati ngày 20/9 tuyên bố các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ đối với ngân hàng này là một dấu hiệu cho thấy Washington không thể "gây ảnh hưởng" đối với Iran.

Thống đốc Hemmati khẳng định rằng nếu các lệnh trừng phạt của Mỹ có tác dụng, tình hình kinh tế Iran đã không được như hiện tại.

Washington đã áp đặt một loạt lệnh trừng phạt đối với Iran kể từ khi Mỹ đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân đa phương hồi tháng 5/2018.

[Mỹ áp đặt biện pháp trừng phạt Ngân hàng Trung ương Iran]

Mới đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo đã áp đặt các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Ngân hàng trung ương Iran. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Mỹ không nêu chi tiết các biện pháp trừng phạt này.

Đây là động thái mới nhất của Mỹ, được đưa ra gần một tuần sau các vụ tấn công nhằm vào cơ sở sản xuất dầu ở Saudi Arabia mà giới chức Mỹ cáo buộc Iran là thủ phạm.

Phát biểu trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng cùng với Thủ tướng Australia Scott Morrison đang ở thăm nước này, Tổng thống Trump tuyên bố ông đã yêu cầu triển khai các lệnh trừng phạt “ở mức độ cao nhất” từng được áp đặt đối với một quốc gia.

Tuy nhiên, ông không tiết lộ thêm thông tin về các lệnh trừng phạt. Tổng thống Trump ngày 20/9 cho biết, ông kỳ vọng các biện pháp trừng phạt sẽ có tác dụng đối với Iran và ông ủng hộ chiến lược này hơn là một hành động quân sự.

Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin cho biết Ngân hàng trung ương Iran là nguồn tài chính cuối cùng của nước này. Ngoài việc trừng phạt ngân hàng trên, Mỹ cũng tuyên bố áp đặt lệnh trừng phạt đối với một công ty có trụ sở tại Iran với cáo buộc che giấu các giao dịch tài chính cho các hợp đồng mua bán khí tài quân sự của nước Cộng hòa Hồi giáo.

Căng thẳng giữa Mỹ và Iran leo thang trong hơn một năm qua, bắt đầu từ thời điểm Washington rút khỏi thỏa thuận hạt nhân năm 2015 vào tháng 5/2018. Sau đó, Mỹ đã dần khôi phục các biện pháp trừng phạt đặc biệt nhằm vào mạng lưới tài chính và ngành kinh tế chủ lực của Iran là xuất khẩu dầu mỏ, với mục đích gây sức ép, buộc Tehran quay trở lại bàn đàm phán./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Người dân sơ tán tránh xung đột tại Gaza ngày 22/10/2024. (Ảnh: THX/TTXVN)

Mỹ hối thúc Israel chuyển hướng chiến lược tại Gaza

Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh Israel đã đạt được phần lớn mục tiêu chiến lược liên quan tới Gaza kể từ sau ngày 7/10 năm ngoái và đây là thời điểm để biến điều đó thành quả lâu dài và chiến lược.