Ngày 11/6, người phát ngôn của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Iran (AEOI) Behrouz Kamalvandi tuyên bố Tehran sẽ chấp nhận việc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) tiếp tục giám sát với điều kiện các lệnh trừng phạt phải được dỡ bỏ.
Ông Kamalvandi đã đưa ra tuyên bố trên khi trả lời phỏng vấn về sự hợp tác giữa AEOI và IAEA.
Ông cho biết AEOI đang hợp tác "thuận lợi" với cơ quan quốc tế này, song một số quốc gia phương Tây lại kêu gọi nước này thực hiện nhiều nghĩa vụ bên ngoài thỏa thuận đảm bảo. Theo ông, điều này là không phù hợp.
[IAEA: Iran không sản xuất hay tích trữ urani được làm giàu ở mức cao]
Ông nêu rõ một đạo luật được Quốc hội Iran thông qua vào năm 2020 đã yêu cầu chính phủ hạn chế các cuộc thanh sát của IAEA đối với các cơ sở hạt nhân của Iran và đẩy nhanh tiến trình phát triển chương trình hạt nhân của nước này vượt ngoài giới hạn đề ra trong thỏa thuận hạt nhân năm 2015.
Ông cho hay công suất làm giàu urani của Iran hiện ở mức 38.000 SWU và con số này có thể nhanh chóng tăng lên gần 40.000 SWU.
Trước đó, Đại giáo chủ Iran Ali Khamenei cũng đã nêu bật tầm quan trọng của việc duy trì hợp tác giữa Iran và IAEA, song nhấn mạnh đạo luật chiến lược của Iran cũng không được phép vi phạm.
Iran cùng các cường quốc thế giới đã ký thỏa thuận hạt nhân mang tên Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) vào tháng 7/2015, theo đó Tehran chấp nhận một số hạn chế đối với chương trình hạt nhân của nước này để đổi lấy việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt.
Tuy nhiên, Mỹ đã rút khỏi thỏa thuận vào tháng 5/2018 và áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt đơn phương, trong khi Iran đáp trả bằng việc giảm một số cam kết của nước này trong thỏa thuận.
Các cuộc đàm phán nhằm khôi phục JCPOA bắt đầu vào tháng 4/2021 tại Vienna (Áo)./.